Trạng thái cân bằng nội môi (Homeostasis) và cách nhìn nhận mới về stress (Phần 1)

1. Định nghĩa truyền thống về Homeostasis

Thuật ngữ Homeostasis (Cân bằng nội môi/cân bằng nội sinh) được một nhà tâm lý học tên Walter Cannon đặt ra lần đầu năm 1926. Homeostasis là trạng thái bình thường của tất cả các cơ thể sống. Homois – sự cân bằng; stasis – sự tồn tại (theo tiếng Hy Lạp), homeostasis có nghĩa là sự ổn định, trạng thái cân bằng môi trường bên trong cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh và đề kháng tốt với mọi bệnh tật – nếu trạng thái cân bằng này được duy trì.
Sinh vật có khả năng điều chỉnh các quá trình sinh lý nhằm duy trì homeostasis, nghĩa là trạng thái bên trong ổn định và cân bằng, ví dụ như nhiệt độ và mức năng lượng. Các quá trình này diễn ra chủ yếu mà không cần nhận thức có ý thức của chúng ta.
Các hệ thống quản lý bên trong chúng ta có cái gọi là “điểm định mức”, giống như bộ điều chỉnh nhiệt trong nhà bạn hay hệ thống điều hòa của xe hơi. Khi điểm định mức đã được xác định, các hệ thống này sẽ vận hành sao cho giữ các trạng thái bên trong nằm trong khoảng định mức đó.
Với cơ thể của bạn thì các điểm định mức cơ bản là nhiệt độ, cân nặng, giấc ngủ, cơn khát và cơn đói. Nếu có cái gì đó đang mất cân bằng trong cơ thể bạn, một loạt các phản ứng sinh lý sẽ xảy ra cho đến khi trở lại điểm định mức.

2. Phản ứng sinh lý và hành vi

Homeostasis liên quan đến cả phản ứng sinh lý và hành vi. Là động vật đẳng nhiệt/nội nhiệt, con người sở hữu một số hệ thống bên trong giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, như miêu tả ở trên.
Về hành vi, bạn có thể có phản ứng mặc quần áo ấm, sưởi ấm bên lửa hay ra chỗ có nhiều ánh nắng mặt trời khi cảm thấy lạnh, hoặc bạn cũng có thể cuộn tròn cơ thể vào trong và giữ hai cánh tay ôm sát vào cơ thể để giữ nhiệt. Điều này phản ảnh một lý thuyết nổi bật về động lực của con người, được gọi là lý thuyết giảm nỗ lực (drive reduction theory), cho thấy sự mất cân bằng homeostasis tạo ra nhu cầu. Việc cần thiết khôi phục lại sự cân bằng thúc đẩy con người thực hiện các hành động nhắm đưa cơ thể trở về trạng thái lý tưởng.

3. Homestasis và stress

Khái niệm stress được BS Hans Hugon Selye, chuyên gia nội tiết Canada gốc Áo đưa vào lĩnh vực sinh học. Theo BS Selye, stress là phản ứng chức năng khiến đối tượng quyết định hành vi ứng xử nhằm lấy lại trạng thái homeostasis.
Phản ứng của cơ thể với những nhân tố bên ngoài là di sản tiến hóa của loài người. Trong quá khứ xa xưa, ở con người, phản ứng với stress thường đòi hỏi chiến đấu hoặc chạy trốn, tức hành động dứt khoát và chớp nhoáng để rồi sau đó xuất hiện thời gian thư giãn cho đến mối đe dọa tiếp theo. Tuy nhiên xã hội hiện đại đã mang lại sự thay đổi hàng loạt lối sống và gần như hoàn toàn cách ly con người khỏi tự nhiên. Nó đòi hỏi sự thích nghi hoàn toàn khác, trong khi việc cải biến môi trường sống và lối sống diễn ra quá nhanh đối với các cơ chế tiến hóa vô thức. Cơ thể chúng ta và những cơ chế hormone thần kinh vẫn tồn tại không đổi và phản ứng với các mối đe dọa y hệt cách đây nhiều ngàn năm: Cho đến nay phản ứng đầu tiên với nhân tố stress vẫn là sự kích hoạt một phần hệ thần kinh có tên hệ đồng mẫn cảm, nghĩa là phản ứng chiến-đấu-hay-chạy-trốn giống như khi xưa. Nếu tình trạng stress kéo dài hơn bình thường hoặc yếu tố stress quá mạnh, cơ thể sẽ huy động thêm hệ sinh học tiếp theo, tức trục dưới đồi-chân đồi não bộ-tuyến thượng thận.
Do đó stress là nỗ lực giúp con người tồn tại trong hoàn cảnh ngặt nghèo và là lợi ích mang tính tiến hóa, với tư cách phản ứng của cơ thể với mối đe dọa. Theo BS Hans Selye, cha đẻ khái niệm stress, stress có thể có chức năng tích cực nếu nó động viên con người hoạt động hiệu quả hơn trong một số tình huống. Ông đặt tên cho stress tích cực là “eustress”. Nhưng nếu mối đe dọa của môi trường xung quanh là kinh niên, stress sẽ là nguyên nhân chính khiến hệ thống miễn dịch suy giảm và gây ra một số lượng khổng lồ bệnh tật. BS Selye đặt tên “distress” cho loại stress thái quá gây tổn hại.
Distress quá mức sẽ gây ra cơn hoảng loạn thực sự ở cấp độ Vô thức của con người. Nó có khả năng làm mất cân bằng mọi bộ phận bên trong cơ thể (rối loạn homeostasis do nhân tố thể chất hay tâm lý gây ra) và tạo ra một rào cản không tự nhiên ngăn các phản ứng sinh lý tự nhiên trở về trạng thái cân bằng với khả năng tốt nhất của nó. Tệ hơn nữa, distress có thể truyền từ mẹ sang con và làm tăng nguy cơ phải sinh mổ!
Do đó, sự điều chỉnh sinh lý và hành vi một cách vô thức với stress đã trở nên không hiệu quả, do cơ thể vẫn kế thừa phản ứng như cách đây nhiều ngàn năm. Nếu không có sự can thiệp của ý thức vào “bộ máy sinh lý và hành vi này”, hệ thống miễn dịch suy giảm và bệnh tật là điều ta đã thấy rõ.
(còn tiếp)
Vân Anh dịch và biên tập
Thu Thủy trình bày
Nguồn:
Kendra Cherry, How the Process of Homeostasis Works, Very Well Mind, 2020
Owen Flanagan, It All Comes Down to Feelings, the New York Times, 2018
Clifton B.Parker, Embracing stress is more important than reducing stress, Stanford psychologist says, Stanford News, 2015
Nguyễn Hanh, Stress – Bệnh đặc thù của thế kỷ 21, báo Tiền Phong, 2012

Thủy Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang