“Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc vào bất kỳ bản thể nào, vào bất kỳ đối tượng bên ngoài nào. Nó chỉ phụ thuộc vào chính ta.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Phụ thuộc vào người khác: một hiện tượng tự nhiên và văn hóa
Rõ ràng, tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau: ai cũng cần những người khác để có thể sống, thậm chí để tồn tại. Đứa bé bị bỏ lại mà không được chăm sóc sẽ chết: sự sống còn của nó phụ thuộc vào thiện chí của cha mẹ nó. Điều này là tự nhiên và không ai có thể thắc mắc.
Một số nền văn hóa cũng đã thúc đẩy sự phụ thuộc, thậm chí là một sự phục tùng nhất định. Ví dụ, tất cả các xã hội phụ hệ đều tìm cách biến người phụ nữ thành đứa trẻ… Cô ấy từ lâu đã (và đôi khi vẫn thế!) hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ hoặc chồng của cô ấy: ta hãy nhớ rằng, ở nhiều quốc gia phương Tây cách đây không lâu, một người phụ nữ còn không thể làm việc hoặc mở tài khoản mà không có sự đồng ý của cha cô hoặc chồng cô…
Tuy nhiên, khi đặt những yếu tố này qua một bên, về mặt sinh học và văn hóa, một số người, do thiếu lòng tự tôn nhất định, cũng không thể khẳng định quyền tự chủ của mình, và ở tuổi trưởng thành, họ vẫn còn trong tình trạng lệ thuộc trầm trọng hơn.
Những người quá phụ thuộc: một vấn đề thường liên quan đến thời thơ ấu
Hai mô hình giáo dục có thể giải thích loại rối loạn lòng tự tôn này.
Kịch bản đầu tiên: cha mẹ luôn là người bảo vệ và luôn thể hiện sự can thiệp rất lớn vào cuộc sống của con cái, khiến chúng có quyền tự chủ rất hạn chế. Nó hơi giống với khuôn mẫu của “bà mẹ Do Thái”: siêu hiện diện, siêu bảo vệ, gần như gây thiến hoạn đứa con. Đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng thế giới bên ngoài là nguy hiểm và tốt hơn nên được ai đó mạnh mẽ bảo vệ. Do đó, anh ta gặp nhiều khó khăn trong việc cất cánh và liên tục tìm kiếm ý kiến của người khác để đưa ra từng quyết định nhỏ nhất.
Kịch bản thứ hai: ngược lại, các bậc cha mẹ lại cực đoan, thậm chí xa cách với con mình. Do đó, anh ta lớn lên với cảm giác bất an rất lớn và tin chắc rằng anh ta không đủ “thú vị” để khơi dậy sự quan tâm của cha mẹ. Điều này thường mang đến những người lớn quá lo âu, “lắm nhu cầu”, sau đó họ tuyệt vọng bám lấy bất cứ ai cho phép họ được công nhận ở mức tối thiểu.
Làm mọi thứ để tránh bị từ chối
Nhìn chung, những người siêu phụ thuộc thường rất quyến rũ: linh hoạt, hòa đồng, hấp dẫn trong chừng mực là con người họ dường như tồn tại để đáp ứng nhu cầu của những người thân thiết với họ. Họ phủ định nhu cầu của chính mình và chỉ phản ánh sự thích nghi hoàn hảo với môi trường sống xung quanh. Ta thường có ấn tượng rằng người siêu phụ thuộc thì thiếu cá tính.
Trên thực tế, tất cả các hành vi của người này, được quyết định bởi nỗi sợ hãi bị bỏ rơi hoặc bị chối bỏ. Khi lòng tự tôn thấp, người quá phụ thuộc thường nghĩ rằng anh ta không thể xoay sở một mình. Và đồng thời, người đó có xu hướng lý tưởng hóa những người xung quanh mình và nghĩ rằng những người khác là giải pháp cho mọi vấn đề của mình… điều này rõ ràng đặt lên vai những người khác một trách nhiệm to lớn, và không phải lúc nào họ cũng có thể gánh vác được trách nhiệm đó. Bởi vì họ càng giúp đỡ người này, việc đó càng trầm trọng hóa sự phụ thuộc của anh ta… và họ càng có nguy cơ cảm thấy bị xâm chiếm và do đó kết thúc, bằng cách chối bỏ anh ta…
Rủi ro của sự phụ thuộc quá mức
Rủi ro rất đa dạng. Ở cấp độ quan hệ, một cá nhân quá phụ thuộc có thể, vì sợ cô đơn, ở bên một đối tác bạo lực, hung hăng hoặc đơn giản là không phù hợp. Nhưng vì sợ hãi khi phải chia tay, anh ta thường thích ở cùng bạn bè tệ hại hơn là ở một mình. Tương tự như vậy, về mặt chuyên môn, người phụ thuộc nói chung có ít tham vọng cá nhân và thiếu sáng kiến. Họ ghét sự cạnh tranh, cần sự hướng dẫn liên tục và do đó họ không được trang bị tốt để thành công trong thế giới công việc ngày nay. Hơn nữa, rõ ràng là hầu hết người phụ thuộc thích « nhường » lại thành công xã hội cho bạn đời của họ.
Video tóm tắt nội dung cần nhớ:
Các bài viết được biên tập theo cuốn sách Phát triển lòng tự tôn (Développer son estime de soi), 2012, tác giả Marie-Laure Cuzarq
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày