50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 1)

1. Thất nghiệp mà không căng thẳng 

Viết CV, trả lời thông báo tìm người, lại nộp CV… và rồi sau đó? Với nhiều người thất nghiệp, không có phần sau. Sự căng thẳng và cảm giác tội lỗi khiến họ không có thời gian nghỉ ngơi, không có niềm vui, thậm chí đôi khi tự cắt đứt mình với mọi cuộc sống xã hội. Hãy giải phóng áp lực: hãy sắp xếp công việc tìm kiếm của bạn như một công việc toàn thời gian, có lịch trình, thời gian nghỉ ngơi và sau khi hết ngày, hãy thả lỏng. Đừng cảm thấy tội lỗi, sự thoải mái và cân đối sẽ giúp ích rất nhiều khi tìm việc.

2. Để mắt đến mọi thứ

Chỉ ta mới biết cách làm việc tốt nhất: đúng hay sai?

Những người làm việc quá sức thường có chung khuyết điểm này: mong muốn được kiểm soát và luôn ám ảnh với công việc hoàn hảo. Thật không may, làm như vậy sẽ chỉ mang lại cho bạn sự mệt mỏi và oán giận từ đồng nghiệp. Để cuộc sống nghề nghiệp thanh thản hơn, hãy đồng ý ủy thác. Đồng nghiệp của bạn sẽ không bao giờ tiến bộ nếu họ không trực tiếp đối diện với thực tế công việc và nếu bạn cũng không mạo hiểm khám phá những phẩm chất trong họ!

3. Những giấc mơ độc hại

Mơ ước không có gì sai, ngoại trừ khi chúng trở nên ám ảnh và ngăn cản ta tận hưởng khoảnh khắc này. Có đáng để bạn sống tằn tiện cả đời chỉ để mua một căn nhà khi đến tuổi nghỉ hưu hay không? Từ chối cơ hội việc làm vì chúng không tương ứng với những gì ta mơ ước? Mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đều phát triển, hãy chấp nhận để các mục tiêu của bạn cũng phát triển nữa.

4. Làm sao để tránh hiểu lầm?

Ngay cả giữa những người nói cùng một ngôn ngữ, sự hiểu lầm vẫn rất phổ biến. “Tôi có cảm giác như anh ta đã hiểu lầm người kia “, “Tôi nghĩ là cô ấy không hiểu”. Trong công việc hoặc trong cuộc sống cá nhân của bạn, đừng để xảy ra hiểu lầm. Hãy tập trung vào cái đơn giản: hãy giao tiếp. Hãy xin lỗi nếu bạn nghĩ rằng mình đã cư xử vụng về, hãy diễn đạt lại nếu bạn chưa nói rõ ràng và “khai thông” thông tin được truyền đạt trước khi sự nghi ngờ xuất hiện.

5. Nhận thức đúng về các điều kiện ngoại cảnh

Lần nào bạn đi mua sắm vào thứ Bảy cũng quá là đông đúc! Chẳng bao giờ có chỗ trong bãi đậu xe này! Vùng này lúc nào cũng mưa! Hãy ngừng phàn nàn và lùi lại một chút: có một số điều không phụ thuộc vào bạn (giao thông cửa hàng, thời tiết), những thứ khác thì có. Đây là những thứ bạn cần tập trung vào nỗ lực của bản thân: ai buộc bạn mua sắm tại thời điểm này, tại đúng chỗ này? Nếu thời tiết làm phiền bạn, tại sao không chuyển nhà đi?

6. Quá nhiều nghĩa là đã quá nhiều

Trong thế giới công việc, bạn hiếm khi cân nhắc việc nói không. Tuy nhiên, đôi khi điều đó cũng có lợi. Khi nói có, ta bị choáng ngợp và đôi khi nhận những nhiệm vụ quá quan trọng hoặc quá khó so với thời gian quy định. Và sự lo lắng không hoàn thành nhiệm vụ lại thêm vào công việc vốn đã quá sức. Hãy lắng nghe bản thân và thể hiện sự chuyên nghiệp: trước khi chấp nhận một nhiệm vụ, hãy dành thời gian suy nghĩ về nó và nếu những gì được yêu cầu ở bạn không nằm trong tầm tay bạn, hãy từ chối hoặc đề xuất các phương án khác.

7. Dành thời gian cho bạn bè mình

Công việc, con cái, trách nhiệm, nhịp sống hàng ngày khiến thời gian trôi qua, người ta có cảm giác không còn thời gian dành cho bạn bè nữa và mất dấu họ từng chút một. Đừng để yên cho chuyện đó! Hãy sắp xếp và chọn lựa cho lịch trình và các mối quan hệ của bạn, chỉ giữ lại những gì cần thiết và kết nối lại với những người bạn yêu thương.

8. Nhu cầu kiểm soát mọi thứ

Chuyện này vượt quá cả bạn, bạn không thể không can thiệp. Trong công việc, với gia đình, thậm chí với bạn bè mình, bạn tham gia vào tất cả các lĩnh vực … Hãy cẩn thận, thái độ này có thể gây hại cho bạn. Hãy ngừng tự hỏi bản thân “Bạn phải làm thế nào để khiến mọi thứ tốt hơn”, thay vào đó hãy tự hỏi “Tại sao bạn cảm thấy bị bắt buộc phải làm điều đó. Bạn sợ cái gì ? Bạn không thể tin tưởng người khác chăng? Bạn có thiếu sự công nhận không? Hậu quả sẽ ra sao nếu bạn không can thiệp.

9. Quản lý những điều không mong muốn

Ngày hôm nay phải thật hoàn hảo, bạn đã lên kế hoạch cho mọi thứ… ngoại trừ những điều không thể lường trước được. Khi loại điều bất tiện này xảy ra, ta bất lực: cả vì thất vọng, cả vì ta không thể ép buộc tình thế được nữa. Đừng lãng phí cuộc sống của bạn chỉ vì một hạt cát đã mắc vào bánh răng. Hãy thích ứng, thay đổi kế hoạch của bạn: không chỉ có một cách để tận hưởng một ngày.

10. Chinh phục thói ghen tị

Ghen tị là một hiện tượng phức tạp, phát sinh chủ yếu từ lòng tự tôn thấp. Nếu ta sợ người kia đi tìm ở nơi khác, thì đó là vì ta tin rằng, dù ta có làm gì, ở nơi khác cỏ vẫn xanh hơn. Hãy thay đổi quan điểm của bạn. Điều quan trọng ở một cặp đôi không phải là những phẩm chất và điểm yếu (thực tế hoặc giả định) của người kia, mà là phẩm chất của mối quan hệ mà họ duy trì.

50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 2)

50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 3)

50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 4)

50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 5)


Vân Anh biên tập và trình bày

Vân Anh Nguyễn

4 thoughts on “50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 1)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang