Nỗi sợ lớn nhất của cuộc sống hiện đại là: dù ta có cố gắng hay thành công đến đâu, dù ta là người cha mẹ, nhân viên hay vợ/chồng tốt đến thế nào đi nữa – điều đó vẫn không bao giờ là đủ. Luôn luôn có một ai đó giàu hơn, thanh mảnh hơn, thông minh hơn hoặc mạnh mẽ hơn ta, một ai đó khiến ta cảm thấy mình nhỏ bé khi so sánh. Nền văn hóa hiện đại của chúng ta đã trở nên cạnh tranh đến mức ta cần phải cảm thấy đặc biệt và trên mức trung bình chỉ để cảm thấy ổn về bản thân (bị gọi là “trung bình” là một sự xúc phạm). Thất bại dưới bất kỳ hình thức nào, dù lớn hay nhỏ, hay đơn giản chỉ là “rớt” xuống mức trung bình, cũng đều không thể chấp nhận được. Kết quả là: văn phòng nhà trị liệu, công ty dược phẩm và hàng sách tự lực (self-help) bị vây kín bởi những người cảm thấy họ không đủ tốt. Phải làm gì đây?
Một câu trả lời đã đến dưới dạng “phong trào lòng tự tôn”. Trong những năm qua, thực sự đã có hàng nghìn cuốn sách và tạp chí đề cao lòng tự tôn – làm thế nào để đạt được nó, nâng cao nó và giữ gìn nó. Theo đuổi lòng tự tôn cao đã trở thành một kiểu “tôn giáo ảo”, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng điều này có những mặt trái nghiêm trọng. Hầu hết mọi người cảm thấy bị bắt buộc phải “gồng lên”, tạo ra cái mà các nhà tâm lý học gọi là “thiên hướng nâng cao bản thân” – tự nâng mình lên và hạ thấp người khác để ta có thể cảm thấy mình vượt trội hơn khi so sánh. Tuy nhiên, nhu cầu liên tục muốn cảm thấy tốt hơn so với đồng loại dẫn đến cảm giác bị cô lập và tách biệt. Và sau đó, một khi bạn đã có lòng tự tôn cao rồi, bạn sẽ giữ nó thế nào? Ta lại rơi vào một chuyến đi tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc: ý thức về giá trị bản thân của ta nảy lên như một quả bóng bàn, thăng trầm theo từng bước với thành công hay thất bại mới nhất của ta.
Một trong những hậu quả ngầm của phong trào đánh giá lòng tự tôn trong vài thập kỷ qua là “dịch bệnh ái kỷ”. Jean Twenge, tác giả cuốn sách Thế hệ tôi (Generation Me), đã kiểm tra mức độ ái kỷ của hơn 15.000 sinh viên đại học Hoa Kỳ từ năm 1987 đến năm 2006. Trong khoảng thời gian 20 năm đó, điểm số về tính ái kỷ cao hơn thế hệ trước. Không phải ngẫu nhiên, mức độ tự tôn trung bình của sinh viên lại tăng lên thậm chí còn lớn hơn so với cùng kỳ. Lòng tự tôn cũng có liên quan đến sự hung hăng, thành kiến và tức giận đối với những người đe dọa cảm giác về giá trị bản thân của ta. Ví dụ, có một số trẻ em xây dựng cái tôi của mình bằng cách đánh bại những đứa trẻ khác trong sân chơi. Điều đó không thể gọi là lành mạnh.
Tất nhiên ta cũng không muốn mình tự ti, vậy đâu là giải pháp thay thế? Có một cách khác để cảm thấy hài lòng về bản thân: đó là lòng trắc ẩn với bản thân. Lòng trắc ẩn với bản thân bao gồm việc đối xử tốt với chính mình khi cuộc sống trở nên tồi tệ hoặc khi ta nhận thấy điều gì đó về bản thân mà ta không thích, thay vì tỏ ra lạnh lùng hoặc nghiêm khắc tự phê bình bản thân. Đó là nhận ra rằng tình trạng con người là không hoàn hảo, để ta cảm thấy được kết nối với những người khác khi mình thất bại hoặc đau khổ, thay vì cảm thấy bị tách biệt hoặc bị cô lập. Nó cũng liên quan đến sự chánh niệm – đó là thừa nhận và không phán xét những cảm xúc đau đớn khi chúng nảy sinh trong giây phút hiện tại. Thay vì kìm nén nỗi đau của mình hoặc biến nó thành một bộ phim “soap opera cá nhân” bị phóng đại, ta nhìn nhận bản thân và hoàn cảnh của mình một cách rõ ràng.
Điều quan trọng là phải phân biệt lòng tự trắc ẩn với lòng tự tôn. Lòng tự tôn đề cập đến mức độ tích cực mà ta đánh giá về bản thân. Nó thể hiện mức độ ta thích bản thân hoặc đánh giá chính mình, và thường dựa trên sự so sánh với những người khác. Ngược lại, lòng trắc ẩn không dựa trên những nhận định hay đánh giá tích cực, đó là một cách liên hệ với chính chúng ta. Mọi người cảm thấy tự trắc ẩn vì họ là con người, không phải vì họ đặc biệt và trên mức trung bình. Lòng tự trắc ẩn nhấn mạnh sự kết nối hơn là sự tách biệt. Điều này có nghĩa là với lòng trắc ẩn, bạn không cần phải cảm thấy tốt hơn những người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân. Nó cũng mang lại sự ổn định về mặt cảm xúc hơn là lòng tự tôn vì nó luôn ở đó bên bạn – khi bạn đang ở trên đỉnh thế giới và cả khi bạn gục ngã.
Một nghiên cứu yêu cầu người tham gia nhớ lại thất bại, lần bị từ chối hoặc mất mát trước đây khiến họ cảm thấy tồi tệ về bản thân. Một nhóm người tham gia được yêu cầu suy nghĩ về sự kiện này theo những cách làm tăng lòng tự trắc ẩn của họ. Một nhóm khác được yêu cầu suy nghĩ về tình huống theo cách bảo vệ hoặc củng cố lòng tự tôn của họ. Những người nhận được hướng dẫn về lòng tự trắc ẩn cho thấy ít cảm xúc tiêu cực hơn khi nghĩ về sự kiện vừa qua so với những người được hướng dẫn theo lòng tự tôn. Hơn nữa, những người ở trong nhóm tự trắc ẩn cảm nhận trách nhiệm cá nhân về sự kiện hơn những người trong nhóm tự tôn. Điều này cho thấy rằng – không giống như lòng tự tôn – lòng tự trắc ẩn không dẫn đến việc đổ lỗi cho người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng lòng tự trắc ẩn mang lại những lợi ích tương tự như lòng tự tôn (ít trầm cảm hơn, hạnh phúc hơn, v.v.) mà không có những mặt trái như của lòng tự tôn. Chẳng hạn, trong một cuộc khảo sát lớn được thực hiện với hơn 3000 người từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, người ta thấy rằng lòng tự trắc ẩn có liên quan đến cảm giác ổn định hơn nhiều về giá trị bản thân (được đánh giá 12 lần khác nhau trong khoảng thời gian 8 tháng) so với lòng tự tôn. Điều này có thể liên quan đến thực tế là lòng tự trắc ẩn cũng được cho thấy là ít phụ thuộc vào những yếu tố như sự hấp dẫn về thể chất hoặc màn trình diễn thành công hơn là lòng tự tôn. Ngoài ra, lòng tự tôn có mối liên hệ chặt chẽ với tính ái kỷ trong khi lòng tự trắc ẩn không có mối liên hệ chặt chẽ với tính ái kỷ.
Vì vậy, thay vì không ngừng theo đuổi lòng tự tôn bằng mọi giá, ta nên khuyến khích sự phát triển lòng tự trắc ẩn. Bằng cách đó, cho dù ta đang ở trên đỉnh thế giới hay ở dưới đáy cùng, ta vẫn có thể ôm lấy bản thân với một cảm giác tử tế, sự kết nối và cân bằng cảm xúc. Ta có thể mang lại sự an toàn về cảm xúc cần thiết để nhìn rõ bản thân và thực hiện bất kỳ thay đổi nào cần thiết để giải quyết những nỗi đau của ta. Chúng ta có thể học cách cảm thấy hài lòng về bản thân không phải vì ta đặc biệt và trên mức trung bình, mà bởi vì chúng ta là con người, và về bản chất, tất cả đều đáng được tôn trọng.
Vân Anh dịch và tổng hợp
Nguồn: Kristin Neff, Why Self-Compassion Trumps Self-Esteem, Greater Good Magazine, 2011 (https://greatergood.berkeley.edu/article/item/try_selfcompassion)
Kristin Neff, Don’t Fall into the Self-Esteem Trap: Try a Little SelfKindness, Mindful magzine, 2016 * https://www.mindful.org/dont-fall-into-the-self-esteem-trap-try-a-little-self-kindness/)