Làm sao để tránh “lướt” tin tức gây lo âu

Chừng nào con người còn có quyền truy cập rộng rãi tin tức hàng ngày, thì còn đó sự lo âu liên quan đến tin tức. Nhưng thời đại của mạng xã hội đã làm tăng đáng kể lượng thời gian ta dành cho việc cập nhật các sự kiện hiện tại.

Thay vì giới hạn việc tiêu thụ tin tức ở mức một lần mỗi ngày, chẳng hạn như đọc báo buổi sáng hoặc xem tin tức địa phương trước khi đi làm, nhiều người trong chúng ta đang chìm đắm trong một vòng tuần hoàn của tin tức.

Ngày nay, ít nhất 1/5 người Mỹ nhận tin tức thông qua mạng xã hội, và người dùng Internet trung bình dành hơn 2 giờ để “lướt” web mỗi ngày. Và mỗi năm, con số đó đều đặn tăng lên.

Thuật ngữ “doomscrolling (tạm dịch là Lướt web cưỡng chế)” bằng tiếng Anh mô tả tình trạng mà việc tiêu thụ tin tức dẫn đến quá tải thông tin và trở thành một thói quen bị cưỡng chế.

Mặc dù, lo lắng, trong một chừng mực nào đó, có thể hữu ích cho việc lập kế hoạch trước, nhưng bạn sẽ dễ dàng vượt qua ranh giới từ nắm bắt thông tin sang gây ra lo âu. Tuy nhiên, áp lực phải cập nhật các chủ đề nghiêm trọng như đại dịch, bất ổn dân sự và biến đổi khí hậu có thể khiến việc ngừng doomscrolling trở nên khó khăn.

Vì vậy, làm sao để bạn biết khi nào việc tiêu thụ tin tức đã bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn? Và bạn có thể làm gì để dừng chu kỳ đó?

Tại sao chúng ta doomscroll?

Việc nghiện đọc tin tức bắt nguồn từ bản năng sinh tồn mà ta đã phát triển để lường trước nguy hiểm. Mạng xã hội khai thác bản năng này.

TS. Allison Chase nói: “Truyền thông đã làm rất tốt trong việc tìm ra cách thu hút sự chú ý của chúng ta. “Vì vậy, khi tin tức hoặc thông tin được trình bày theo cách thu hút chúng ta… nó sẽ trở nên rất hấp dẫn.”

Nhưng các tiêu đề thường đưa ra cho ta những tình huống mà ta ít có khả năng kiểm soát hoặc ngăn chặn. Điều này có thể dẫn đến cảm giác bất lực, choáng ngợp, lo lắng hoặc hoảng sợ.

“Không ai có ý định trở nên khó chịu, không thoải mái và luôn lo lắng… nhưng ngay khi họ tham gia đọc tin tức và say mê, thì chúng trở thành thứ mà họ chưa chắc đã có thể dừng lại.” Theo Chase, những người trải qua chứng rối loạn điều tiết, gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, sẽ có nhiều khả năng doomscroll đến mức cực đoan.

Tương tự như những thói quen xấu khác, chẳng hạn như cắn móng tay hoặc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, não của bạn có thể học được rằng doomscrolling là phản ứng dễ xảy ra để đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Kết quả là, thói quen này được ăn sâu vào não.

Chức năng thần kinh này, đôi khi được gọi là “vòng lặp thói quen” hoặc “tính tự động”, không phải lúc nào cũng xấu. Trên thực tế, nó cho phép ta hình thành các thói quen, giúp ta hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, não không phân biệt được liệu các quá trình nó học có hữu ích hay không, đó là lý do tại sao rất dễ hình thành những thói quen gây hại. Vì vậy, ta phải đào tạo lại bộ não của mình.

Khi việc lướt tin trở nên không lành mạnh

Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để đánh giá mức độ ảnh hưởng của doomscrolling và tiêu thụ tin tức ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

  • Doomscrolling tác động đến bạn về mặt cảm xúc hoặc xã hội như thế nào?
  • Bạn có gặp khó khăn khi tập trung vào công việc hoặc trong cuộc trò chuyện với người khác bởi vì bạn lo lắng về tin tức?
  • Bạn có gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ đúng hạn vì bạn không thể ngừng cầm máy và lướt quá các tiêu đề tin tức?
  • Bạn có gặp phải tình trạng thiếu ngủ do thức khuya dậy muộn không?

Nếu bạn trả lời có cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này, bạn có thể đã đi vào vùng “không lành mạnh”.

Theo Chase, “bất cứ lúc nào hành vi mà ta đang thực hiện đang can thiệp vào hoạt động xã hội, hoạt động cảm xúc, [mục tiêu] học tập hoặc nghề nghiệp của ta… hoặc lúc nào bạn nhận thấy bạn đang cáu kỉnh với vợ/chồng/người yêu hay con cái vì bạn đang mất quá nhiều thời gian cảm thấy thất vọng, khó chịu và khó ở, vậy ta cần xem xét lại tình trạng của bản thân.”

Làm sao để Quản lý Lo lắng do Tin tức

Chase nhấn mạnh rằng không có giải pháp nào phù hợp với tất cả. Chìa khóa là tìm ra một cách tiếp cận phù hợp với bạn, bắt đầu bằng việc nhận ra các yếu tố kích hoạt của bạn.

1. Nhận biết các yếu tố kích hoạt của bạn

Cố gắng chú ý đến những gì xảy ra ngay trước khi bạn cảm thấy thôi thúc với lấy điện thoại của mình. Nếu việc doomscrolling của bạn xuất phát từ những suy nghĩ, cảm xúc hoặc tình huống nhất định – hoặc xoay quanh một chủ đề cụ thể – hãy lưu ý.

Những người bị nghiện có khả năng tái nghiện cao hơn khi tiếp xúc với một số tác nhân gây nghiện nhất định, chẳng hạn như đi dạo qua quán bar mà họ vẫn thường lui tới, nhìn thấy gạt tàn hay khi đứng ở gần máy đánh bạc. Điều này cũng xảy ra với những người nghiện màn hình và kỹ thuật số như doomscrolling.

Việc nhận biết các yếu tố kích hoạt có thể giúp bạn tránh chúng để tránh rơi vào vòng lặp thói quen có hại.

2. Chọn lựa tin tức và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội

Việc bỏ hoàn toàn mạng xã hội có thể là một bước nhảy vọt quá lớn đối với hầu hết mọi người. Thay vào đó, hãy nghĩ về những cách bạn có thể thay đổi cách bản thân sử dụng mạng xã hội.

Ví dụ: nếu có những tài khoản mà bạn nhận thấy là thường khiến bạn lo lắng, hãy ẩn hoặc hủy việc theo dõi chúng. Ngoài ra, hãy xem xét việc tắt cảnh báo cho các nền tảng truyền thông xã hội. Bằng cách này, bạn sẽ ít bị cám dỗ mở ứng dụng suốt cả ngày.

Nếu bạn đặc biệt say mê hoặc bị ám ảnh bởi một chủ đề cụ thể, ví dụ như biến đổi khí hậu, hãy hạn chế thời gian, chỉ dành 15-30 phút để đọc về chủ đề đó mỗi ngày.

3. Kết hợp các thói quen tích cực

Khi bỏ một thói quen như doomscrolling, tìm các hoạt động tích cực để bổ sung vào thời gian đọc tin tức có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Hãy thử tham gia vào một nội dung nào đó không mang tính giáo dục mà chỉ đơn giản là giúp bạn mỉm cười.

Việc này có thể là khám phá một hashtag tích cực và nhẹ nhàng như, như #catsoftiktok, truy cập vào trang “lành mạnh” (wholesome) trên Reddit hoặc xem video ASMR vô hại trên YouTube. Mặc dù nghe có vẻ ngớ ngẩn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xem các video về động vật dễ thương có thể giảm huyết áp một cách đáng kể và giảm lo lắng.

Một điều quan trọng nữa cũng là cho cơ thể bạn đứng dậy và vận động. Làm gián đoạn các quá trình suy nghĩ của bạn bằng chuyển động cơ thể là một chiến lược khác để phá vỡ chu kỳ đơn điệu của doomscrolling.

4. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong kiểm soát doomscrolling, có những nhà trị liệu chuyên giúp đỡ những khách hàng đang chật vật trong việc tiết chế sử dụng mạng xã hội và chứng lo âu do tin tức.

Chase nói: “Nếu bạn đang có các triệu chứng thực sự của chứng trầm cảm hoặc lo âu… thì sự trợ giúp của chuyên gia, hoặc ít nhất là đánh giá chuyên môn, luôn được khuyến nghị để xem bạn có cần thêm trợ giúp hay không”.


Chuyên gia: Allison Chase, Ph.D.

Tiến sĩ Allison Chase là giám đốc lâm sàng khu vực của Trung tâm Phục hồi Ăn uống và Trung tâm Tâm trạng & Lo âu Pathlight tại Texas. Cô chuyên về trẻ em và thanh thiếu niên, những người rối loạn ăn uống, đào tạo và giáo dục cha mẹ, và liệu pháp gia đình. Cô đặc biệt quan tâm đến tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần.

Trước khi gia nhập Pathlight, Chase sở hữu một nhóm thực hành tư nhân và giảng dạy các khóa đại học. Cô hiện đang giám sát học viên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Texas ở Austin, nơi cô lấy bằng Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng năm 2001.


Nguồn

Shearer E. (2018). Social media outpaces print newspapers in the U.S. as a news source.

Daily time spent on social networking by internet users worldwide from 2012 to 2022. (2022).

Study: Quokkas Can Be Good For Your Health. (2020).



Nguồn: https://www.psychology.org/resources/news-anxiety-avoiding-doomscrolling/
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang