Các “trò chơi” trong mối quan hệ liên cá nhân

Bạn có đang chơi những trò chơi trong các mối quan hệ của mình không? Mặc dù bạn có thể không nhận thức được, câu trả lời cho câu hỏi trên gần như chắc chắn là có. Dựa trên kiến thức vô giá về tâm lý trong các mối quan hệ liên cá nhân, bác sĩ Eric Berne đã mang đến những hiểu biết sâu sắc về cách phát hiện các trò chơi đang diễn ra mọi lúc, trong mọi kiểu bối cảnh và giữa mọi loại người trong cuốn sách “Games people play” (Trò chơi mọi người chơi).

Mỗi người đều có ba trạng thái bản ngã: Cha mẹ, Người lớn và Đứa trẻ.

Bất chấp sự hỗn loạn nói chung trong hành vi của con người, vẫn có những kiểu hành vi định kỳ nhất định. Tác giả chắc chắn nhận thấy điều này sau khi quan sát hàng nghìn bệnh nhân, ông chỉ ra rằng, khi tương tác, mọi người hành động theo một trong ba trạng thái bản ngã – Cha mẹ, Đứa trẻ và Người lớn. Những trạng thái này bao gồm các hệ thống cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, và được phát triển trong suốt cuộc đời. Việc bạn đang hành động với trạng thái bản ngã nào tại bất kỳ thời điểm nào tùy thuộc vào cả quá khứ lẫn thời điểm hiện tại của bạn.

Ví dụ, khi lớn lên, mỗi đứa trẻ đều bắt chước những người chăm sóc nó – và đó là nơi bắt nguồn trạng thái Bản ngã Cha mẹ. Giả sử mẹ của bạn rất tức giận khi bạn làm sai điều gì đó và thể hiện sự giận dữ của bà bằng cách la hét. Khi trưởng thành, bạn có thể áp dụng kiểu hành vi này một cách vô thức, to tiếng khi con bạn cư xử không đúng mực. Tất nhiên, trạng thái Cha mẹ không nhất thiết phải tiêu cực – đó chỉ là sự bắt chước một cách vô thức cha hoặc mẹ của bạn.

Sau đó là trạng thái Bản ngã Người lớn, nguồn gốc của suy nghĩ lý trí của chúng ta. Nó phát triển khi ta học cách suy ngẫm về các trải nghiệm của mình trong suốt thời thơ ấu và cho phép ta đưa ra quyết định dựa trên những gì hiện có ở đây và bây giờ. Đó là trạng thái xử lý thông tin và giải quyết vấn đề bằng tư duy logic, quyết đoán. Chẳng hạn, nó xuất hiện khi bạn yêu cầu ai đó ngừng nhai bỏng ngô rôm rốp trong rạp chiếu phim, hoặc khi bạn phân tích một động cơ xe bị hỏng để xem cần phải sửa những gì.

Cuối cùng, trạng thái Bản ngã Đứa trẻ là cách tồn tại tự phát mà ta sinh ra đã có. Đó là nguồn gốc của cảm xúc, sự sáng tạo và sự thân mật của chúng ta. Tuy nhiên, theo thời gian, Đứa trẻ có thể bị chôn vùi bên dưới trạng thái Cha mẹ và Người lớn; tuy nhiên, có thể giải phóng Đứa trẻ khỏi những ảnh hưởng này và trở lại với tính tự nhiên của Đứa trẻ tự nhiên.

Ví dụ, ta thường hành động từ trạng thái Đứa trẻ khi quan hệ tình dục – một hoạt động không được cha mẹ dạy hoặc học một cách có ý thức.

Trò chơi là những tương tác có thể dự đoán được giữa các trạng thái bản ngã.

Vậy nên ai cũng có trạng thái bản ngã. Hiểu về các trạng thái bản ngã là nền tảng để hiểu nhiều loại trò chơi mà mọi người chơi.

Bất cứ khi nào bạn giao tiếp với ai đó, bạn tương tác từ một trong những trạng thái bản ngã của mình. Ví dụ: bạn có thể đang hành động từ trạng thái Cha mẹ và người đối thoại của bạn có thể đang phản ứng từ trạng thái Đứa trẻ hoặc cả hai bạn có thể đang giao tiếp từ trạng thái Người lớn.

Đôi khi điều này là hiển nhiên, chẳng hạn như khi bạn la mắng bạn đời của mình vì không rửa bát đĩa (Cha mẹ-Đứa trẻ) hoặc khi bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi với bạn bè (Người lớn-Người lớn). Trong cả hai trường hợp, trạng thái bản ngã và mục tiêu đều rõ ràng. Nhưng đôi khi có vẻ như bạn đang hành động từ một trạng thái bản ngã này, trong khi thực tế là bạn đang hành động từ một trạng thái khác. Và những gì có vẻ là mục tiêu bề ngoài lại hoàn toàn không phải là mục tiêu.

Khi điều đó xảy ra, bạn đang chơi một trò chơi.

Hãy xem xét một người đàn ông tán tỉnh một người phụ nữ. Vào cuối buổi tối, anh nói rằng anh muốn cho cô xem bộ sưu tập đĩa hát của mình. Cô trả lời rằng cô thích đĩa than. Mặc dù nghe có vẻ như hai Người lớn đang trò chuyện một cách vô tư, nhưng thực ra đó là hai Đứa trẻ đang tận hưởng sự tự nhiên của việc tán tỉnh nhau. Và, tất nhiên, mục đích của việc xem bộ sưu tập đĩa hát là che giấu mục đích thực sự: lên giường cùng nhau.

Trong trường hợp này, cả người đàn ông và phụ nữ đều biết họ đang chơi trò chơi gì. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều trò chơi được chơi một cách vô thức, không người chơi nào biết đang chơi gì – cũng như tại sao họ lại chơi trò chơi đó.

Đó là lý do tại sao chỉ bằng cách hiểu những trò chơi mà mọi người chơi, bạn mới có thể giải phóng bản thân khỏi những trò chơi đang kìm chân bạn.

Một số trò chơi được thiết kế để tồn tại suốt đời.

Khi nghe thấy từ “trò chơi”, bạn có thể nghĩ đến một thứ gì đó ngắn gọn, chẳng hạn như một trận bóng đá hoặc một vòng game Call of Duty. Nhưng các trò chơi có thể kéo dài lâu hơn nữa – và cũng nghiêm túc đến chết người.

Hãy xem xét trò chơi Nghiện rượu (Alcoholic). Nếu bạn quan sát kỹ, hành vi nghiện rượu trên thực tế là một trò chơi phức tạp, với những động cơ ẩn giấu và mục tiêu cụ thể.

Khi một người nghiện rượu nhờ giúp đỡ, có vẻ như người ấy đang hành động như một Người lớn có lý trí. Nhưng, thường xuyên là trên thực tế, người đó đang thách thức những người chơi khác trong trò chơi – như con cái hay bạn đời của cô ấy – cố gắng ngăn cô ấy uống rượu. Đây là hành động của một đứa trẻ nổi loạn. Và trong khi những người chơi khác có vẻ là Người lớn đang lý luận với người nghiện rượu, thì thực ra họ đang đóng vai Cha mẹ mắng Con cái/Đứa trẻ.

Sau đó, người nghiện rượu sẽ đạt được điều mà cô ấy muốn: sự tức giận của người khác, điều này cho phép cô thúc đẩy sự tự thương hại và căm ghét bản thân – dẫn đến việc uống nhiều hơn.

Một trò chơi khác mà bạn có thể chơi cả đời là vạch mặt lẫn nhau: Tôi bẫy được anh/cô rồi nhé.

Nhân vật chính trong trò chơi này thường có một quá khứ giận dữ không thể giải thích được đang chực chờ bộc phát. Để thỏa mãn nhu cầu nổi giận của mình, anh ta tìm kiếm mọi loại bất công nhỏ nhất có thể – và vồ lấy nó.

Ví dụ, nếu chẳng hạn, nếu anh ta vô tình bị một người thợ sửa ống nước tính tiền quá cao, anh ta sẽ tỏ ra tức giận, nhưng lại thầm vui mừng. Đây là cơ hội để anh ta trút giận, và anh ta sẽ sẵn sàng la hét hàng giờ liền với người thợ sửa ống nước tội nghiệp về sai lầm tai tiếng kia.

Người thợ sửa ống nước có thể bị mắc kẹt trong trò chơi của chính mình, hành động như một Đứa trẻ nghịch ngợm luôn bị bắt quả tang vì những hành vi sai trái của mình. Điều này duy trì câu chuyện kể về tình trạng nạn nhân của chính anh ta – “lý do” khiến anh ta bất hạnh.

Vợ chồng thường xuyên chơi trò chơi với nhau.

Hôn nhân nổi tiếng là làm xáo trộn ngay cả những mối quan hệ vững chắc nhất, đặc biệt là khi giai đoạn trăng mật kết thúc. Những người bạn đời ngày càng phải thỏa hiệp nhiều hơn, đồng thời cố gắng tìm cách đáp ứng các nhu cầu mâu thuẫn của họ. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi họ bắt đầu chơi trò chơi.

Một trò chơi được cặp đôi chơi được gọi là Phòng xử án (Courtroom). Trong trò chơi này, một cặp vợ chồng đến gặp nhà trị liệu để giải quyết mối quan hệ của họ. Hoặc họ nghĩ như vậy.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như cặp đôi và nhà trị liệu đều ở trạng thái Người lớn, đang tìm cách giải quyết vấn đề của cặp đôi. Nhưng trên thực tế, một người phối ngẫu hành động như một Đứa trẻ và phàn nàn với nhà trị liệu về người bạn đời của mình. Sau đó, nhà trị liệu đảm nhận vai trò của Cha mẹ và đánh giá hành vi của đối tác là không thể chấp nhận được.

Điều này cho phép nhà trị liệu chiếm vị trí ưu việt về mặt đạo đức, và người phối ngẫu ở trạng thái Đứa trẻ có được Cha mẹ xác thực những lời phàn nàn của họ.

Một trò chơi khác mà các cặp vợ chồng thường chơi có tên là Người vợ Lạnh lùng.

Trong trò chơi này, người phụ nữ khiêu khích chồng mình quan hệ, nhưng từ chối mọi lời đề nghị tiến tới của chồng. Ví dụ, cô có thể mặc đồ hở hang đi quanh nhà, nhưng khi chồng tiến tới, cô lại buộc tội anh là bị tình dục ám ảnh.

Vậy những trạng thái nào đang diễn ra ở đây? Đầu tiên, người vợ tự bộc lộ đặc điểm giới tính của mình, nhưng không phải với tư cách là Người lớn. Thay vào đó, cô đóng vai trò là Cha mẹ, nói rằng “anh có thể hôn em nếu anh muốn.” Sau đó, người chồng trả lời nhiệt tình như một đứa trẻ – vâng, làm ơn! – để rồi lại bị người vợ vẫn đóng vai trò là Cha Mẹ phản bác lại: “Anh thì chỉ muốn có thế thôi phải không?”

Kết quả là một người vợ có thể củng cố thành kiến của mình với đàn ông – rằng mọi đàn ông đều bị ám ảnh bởi tình dục – và một người chồng không có mối quan hệ thỏa đáng với vợ. Và lại có thêm một khúc quanh khác của trò chơi: thường thì đàn ông thậm chí còn chẳng muốn sự thân mật về mặt tình dục nữa – đó là lý do tại sao họ chọn ai đó khác để cùng chơi trò chơi Người vợ Lạnh lùng.


Các cuộc tụ tập xã hội thường khiến mọi người chơi trò chơi.

Một số trò chơi tiệc tùng, chẳng hạn như đố chữ, hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, có những trò chơi khác tinh vi và quỷ quyệt hơn.

Hãy lấy ví dụ là trò Schlemiel – một trò chơi buộc ai đó phải tha thứ cho bạn. Nhân vật chính trong trò chơi này “lỡ tay” làm vỡ đồ khi được mời đến nhà ai đó dự tiệc. Đó có thể là làm đổ rượu ra thảm hoặc làm tắc bồn cầu.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như người gây chuyện trong Schlemiel xin lỗi vì sự bừa bộn của họ với tư cách là Người lớn và chủ nhà chấp nhận lời xin lỗi một cách duyên dáng. Nhưng trên thực tế, Schlemiel đang cố gắng kiểm soát chủ nhà, buộc họ phải trở thành một hình mẫu tự chủ và tha thứ với tư cách là Cha mẹ. Schlemiel sau đó có thể tiếp tục là một Đứa trẻ vô trách nhiệm, biết rằng chủ nhà sẽ phải mở rộng sự tha thứ, với bất kể điều gì.

Một game tiệc tùng điển hình khác là Tại sao cậu không – Vâng, Nhưng (Why Don’t You – Yes But).

Người chơi bắt đầu bằng cách chia sẻ một vấn đề với nhóm. Chẳng hạn, người này đang gặp khó khăn trong việc tìm mua chiếc xe hơi nào đó. Sau đó, nhóm đưa ra các gợi ý: mẫu xe này phù hợp để đi đường dài, một chiếc ô tô mới đáng giá hơn, v.v. Nhưng các gợi ý thực ra không liên quan, vì người chơi luôn viện ra một số lý do để bác bỏ từng giải pháp.

Thoạt nhìn, có vẻ như nhân vật chính và cả nhóm đang nói chuyện với tư cách là Người lớn, cố gắng tìm ra giải pháp hợp lý cho một vấn đề thực tế. Nhưng thực ra, những người góp ý đang đóng vai Cha/Mẹ, cố gắng giúp đỡ Đứa trẻ liên tục trả lời rằng: “Bố mẹ có làm gì cũng chẳng giúp gì được cho con đâu”. Điều này cho phép người chơi duy trì cảm giác mình là một Đứa trẻ đang phải gánh một vấn đề nan giải.

Các mối quan hệ tình dục thường kích họa các trò chơi.

Phòng ngủ là một nơi tuyệt vời để vui chơi và chơi các trò chơi. Nhưng nó cũng là nguồn gốc của nhiều trò chơi tâm lý phức tạp không liên quan đến tình dục hay niềm vui nào cả.

Một ví dụ sai lệch là trò chơi Rapo, trong đó tình dục chính xác trở thành một phương tiện để trả đũa.

Trong Rapo, nhân vật chính xúi giục một hành vi tình dục, sau đó buộc tội người bạn tình hành hung mình. Cuộc đối đầu có vẻ như đang xảy ra giữa hai Người lớn: nhân vật chính đòi bồi thường cho vụ hành hung, còn người vi phạm thì xin lỗi rối rít vì đã đi quá xa. Nhưng tương tác đang thực sự xảy ra giữa những Đứa trẻ: kẻ phạm tội thầm vui mừng với trải nghiệm không thể cưỡng lại được tình dục, trong khi nhân vật chính xác nhận những định kiến đã có từ trước về bản chất thú tính của tình dục.

Nhưng, về cơ bản, trò chơi này là về cảm giác tội lỗi. Bằng cách đổ trách nhiệm về hành vi tình dục lên người phạm tội, nhân vật chính có thể quan hệ tình dục mà không cảm thấy tội lỗi về việc là một sinh vật có dục tính.

Một trò chơi tình dục khác là Om sòm (Uproar).

Trong Uproar, người chơi cố gắng giải tỏa căng thẳng tình dục khó chịu bằng cách lao vào đánh nhau. Ví dụ, một người cha và cô con gái tuổi teen có thể có những cảm xúc không mong muốn về mặt tính dục – đặc biệt là trong một ngôi nhà có Người vợ Lạnh lùng. Để tránh sự hấp dẫn tình dục, một trong những người chơi bắt đầu một cuộc tranh cãi nhanh chóng leo thang thành một cuộc cãi vã. Ngay sau đó, một người chơi chịu hết nổi và rời khỏi phòng, đóng sầm cửa lại sau lưng họ. Đây là kết quả mong muốn của trò chơi: kết thúc là mỗi người lại ở trong những căn phòng khác nhau, những người chơi nhấn mạnh thực tế rằng họ đang ngủ riêng chứ không phải ngủ cùng nhau.

Những người có xu hướng phá vỡ quy tắc thường chơi trò chơi.

Hãy xem xét tất cả các bộ phim nổi tiếng của Hollywood về những kẻ lừa đảo, những tên trộm và những kẻ buôn bán ma túy. Rõ ràng, chúng ta khá bị các tên tội phạm mê hoặc. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi điều gì khiến người ta có lối sống nguy hiểm như vậy không?

Một động lực là mong muốn chơi trò Cảnh sát và Kẻ cướp (Cops and Robbers).

Trong Cops and Robbers, có vẻ như tên tội phạm đang hành động như một Người lớn, tính toán các cách để đi đường tắt đến sự giàu có. Nhưng trên thực tế, mong muốn về một lối sống xa hoa che giấu động cơ thực sự: bị bắt.

Những tên tội phạm chơi Cảnh sát và Kẻ cướp thực sự muốn bị bắt, bởi vì việc bị bắt sẽ xác nhận họ là kẻ thua cuộc, đó chính xác là cách họ nhìn nhận bản thân. Đây là lý do tại sao nhiều tội phạm “vô tình” để lại manh mối hoặc hành động ngạo mạn sau khi gây án: để cuối cùng cảnh sát có thể bắt kịp họ.

Khi tên tội phạm đã bị kết án và bị tống vào tù, anh ta có thể bắt đầu một trò chơi mới: Muốn thoát ra (Want Out).

Trò chơi này liên quan đến các tù nhân giả vờ muốn trốn khỏi nhà tù, trong khi thực tế, họ chỉ muốn ở lại lâu hơn. Họ biết rằng cơ hội trốn thoát là gần như bằng không – và nếu họ bị bắt, bản án của họ sẽ chỉ có thể được gia hạn.

Tuy nhiên, họ chấp nhận những rủi ro lố bịch nhất. Điều thoạt nhìn có vẻ là một Người lớn khao khát tự do, thực ra lại là một Đứa trẻ không muốn quay trở lại với thế giới bất khả dự đoán ngoài kia. Vì vậy, người tù cố gắng trốn thoát, bị bắt và thầm hạnh phúc khi được ở trong sự an toàn và quen thuộc của nhà tù.

Tâm lý trị liệu cũng là “lồng ấp” cho các trò chơi.

Sau khi đọc về tất cả những trò chơi này, bạn có thể nghĩ rằng mọi người đều có thể ổn hơn nếu được điều trị với đúng “liều thuốc tâm lý”. Thật không may, lĩnh vực tâm lý trị liệu cũng là nơi có rất nhiều trò chơi kỳ lạ.

Tham gia trò chơi Khốn cùng (Indigence), trong đó nhà trị liệu tâm lý và khách hàng làm việc cùng nhau để đảm bảo mọi thứ vẫn y như cũ: Thân chủ bắt đầu bằng cách mang một vấn đề đến nhà trị liệu, chẳng hạn như bị thất nghiệp. Vì vậy, họ thảo luận về vấn đề, được cho là như hai Người lớn đang tìm kiếm một giải pháp hợp lý, nhưng trên thực tế, không ai trong số họ muốn bất cứ điều gì thay đổi. Tại sao vậy?

Bởi vì cả hai đều thấy nhiều lợi ích hơn từ việc giữ mọi thứ như hiện tại. Nhà trị liệu phải giữ thân chủ và tiếp tục đóng vai trò là vị Cha mẹ chu đáo, còn thân chủ tiếp tục đóng vai Đứa trẻ bất tài và không phải thực hiện bất kỳ thay đổi nào gây sợ hãi, chẳng hạn như mạo hiểm bước vào thế giới công việc.

Các nhà trị liệu cũng chơi trò chơi Tôi Chỉ Cố Gắng Giúp Bạn Thôi (I’m Only Trying To Help You).

Trò chơi này hoàn toàn là về cái tôi của nhà trị liệu. Một bệnh nhân gặp vấn đề và nhà trị liệu đưa ra giải pháp – có vẻ như đây là Đứa trẻ đang nhờ Cha mẹ giúp đỡ. Nhưng trong Tôi Chỉ Cố Gắng Giúp Bạn Thôi, nhà trị liệu đề xuất một giải pháp mà họ biết sẽ không hiệu quả. Khi bệnh nhân quay lại và báo cáo rằng giải pháp không hiệu quả, nhà trị liệu thầm lên án sự kém cỏi của bệnh nhân. Điều này cho phép nhà trị liệu củng cố hình ảnh bản thân của cô ấy: cô ấy là Cha mẹ có năng lực phải sống trong một thế giới của những Đứa trẻ bất tài.

Ta đã thấy những hành vi của ta được quyết định bởi các trò ta chơi nhiều đến thế nào. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi ta ngừng chơi chúng?

Một cuộc sống không có trò chơi mang đến cơ hội cho các mối quan hệ gần gũi hơn.

Cuộc hành trình của chúng ta thông qua những điều phức tạp của tâm lý con người đã làm sáng tỏ một điều: trò chơi có thể khiến cuộc sống trở nên khốn khổ. Thế vậy tại sao chúng ta cứ tiếp tục chơi chúng?

Trước hết, ta không bao giờ quyết định bắt đầu chơi chúng một cách có ý thức. Trò chơi phát triển trong thời gian dài; hầu hết chúng được phát minh từ rất lâu trước khi ta chào đời và khi lớn lên, ta được dạy chơi chúng mà không hề nhận ra. Mỗi nền văn hóa và thậm chí mỗi gia đình đều có những trò chơi riêng, giải thích cho hàng loạt những “nước đi” kỳ lạ mà người chơi có thể thực hiện.

Thứ hai, trò chơi có một chức năng quan trọng: chúng cho phép mọi người tương tác mà không trở nên thân mật với nhau. Hầu hết mọi người đều không thoải mái khi bộc lộ con người thật của mình với người khác. Bằng cách chơi trò chơi, người chơi có thể thả phanh với những thói quen thoải mái và ẩn mình sau những vai trò khác nhau, thay vì thực sự cởi mở và thân thiết với nhau. Điều này cho phép họ hòa đồng mà không bị tổn thương.

Nhưng sự dễ bị tổn thương và sự thân mật lại vô cùng cần thiết cho kết nối đích thực giữa con người với nhau. Và dù khó khăn, nhưng nếu muốn thực sự kết nối, ta phải từ bỏ những trò chơi của mình. Vậy, ta phải làm sao?

Đầu tiên ta phải tìm hiểu về nhiều trò chơi khác nhau mà mọi người chơi. Đó là nhận thức được trạng thái bản ngã của ta và chú ý đến sự tương tác của ta với người khác. Sau đó, ta cần phá vỡ trò chơi bằng cách bỏ mặt nạ của mình xuống và cho phép bản thân được trở nên dễ tổn thương, đồng thời cố gắng hết sức để nhìn xuyên qua mặt nạ của người khác.

Làm như vậy sẽ không dễ dàng. Nhưng còn giải pháp thay thế nào khác nữa đây?


Nguồn: Blinkist, Games people play

ThS. Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang