Trạng thái “Flow” (“Dòng chảy”)

Để khám phá ý nghĩa trong cuộc sống của bạn, chỉ cần thuận theo dòng chảy.

Tại sao một số người tận hưởng cuộc sống hạnh phúc và sáng tạo trong khi những người khác dường như thấy mình ổn định trong lối mòn thoải mái nhưng lại cảm thấy bực bội?

Dòng chảy (Flow) của Mihaly Csikszentmihalyi dường như có câu trả lời.

Là một công trình nổi tiếng về tâm lý học, Flow lập luận rằng trong cuộc sống ngày càng gây lo lắng và mất tập trung, ta có thể trở nên quá tập trung vào các phần thưởng và ý kiến bên ngoài (ví dụ: so sánh bản thân với bạn bè một cách như bị cưỡng ép). Như một phương thuốc rất cần thiết, cuốn sách đưa ra những kỹ thuật cho phép ta tập trung vào những phần thưởng nội tại, thứ có thể khiến ta phát huy sở thích của mình một cách toàn diện đến mức ta bước vào trạng thái dòng chảy thuần túy. Trong tình trạng như vậy, ta đơn giản là không quan tâm đến những phần thưởng bên ngoài như quyền lực hay của cải và thậm chí còn không quan tâm đến ý kiến của người khác.

Dựa trên nhiều năm nghiên cứu thực nghiệm, Flow cũng khai thác trí tuệ cổ xưa, triết học và tâm lý học hiện đại để cung cấp vô số ví dụ về những người đã khám phá ra cách “vào guồng”, từ đó có cuộc sống đầy thỏa mãn và hiệu quả nhất.

Ta sử dụng tôn giáo và sự xa xỉ để trốn tránh một thế giới thờ ơ, vô nghĩa.

Khi ta nhìn cuộc sống của mình từ xa, chúng dường như không đáng kể. Và khi ta xem xét kỹ lưỡng chúng, ta nhận thấy ta không hạnh phúc và không thỏa mãn. Để đối phó với chuyện đó, hầu hết chúng ta tìm kiếm sự an ủi trong tôn giáo hoặc tìm kiếm phần thưởng bên ngoài, như của cải hoặc danh tiếng. Mặc dù cách tiếp cận này có vẻ hợp lý, nhưng nó cũng có thể dẫn đến việc chúng ta từ bỏ khả năng phê phán của mình.

Ví dụ, trong khi các tôn giáo có tổ chức như Cơ đốc giáo và Hồi giáo đã cung cấp cho ta các quy tắc để sống theo và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời ta, thì việc ta trực tiếp khám phá ra tình trạng khó khăn của mình trong vũ trụ đã cho thấy các nguyên tắc của tôn giáo là sai. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếp tục theo các hệ tư tưởng tôn giáo vì họ cảm thấy thoải mái hơn khi nghĩ rằng cuộc sống là có ý nghĩa.

Ngoài ra, nhiều đế chế và nền văn hóa đã khiến công dân tin rằng họ đã làm chủ số phận của mình – ví dụ, người La Mã ở đỉnh cao quyền lực và người Trung Quốc trước cuộc xâm lược của người Mông Cổ. Mặc dù niềm tin này đã an ủi mọi người, nhưng nó đã hoàn toàn sai lầm khi mỗi nền văn minh này sụp đổ.

Và nếu chúng ta không trốn đằng sau tôn giáo hoặc hệ tư tưởng chính trị để tránh sự vô nghĩa của cuộc sống, thì ta đang đấu tranh để đạt được những phần thưởng bên ngoài như quyền lực, sự giàu có hoặc danh tiếng. Nhưng những điều này cũng không làm ta hài lòng lâu.

Chắc chắn chúng ta đang sống trong thời đại xa hoa và những người trong quá khứ sẽ không tin nổi những tiện nghi mà cuộc sống hiện đại mang lại. Nhưng có nhiều tiền hơn và mua được nhiều thứ hơn dường như không làm ta hạnh phúc hơn. Như một nghiên cứu đã chỉ ra, sự hài lòng với cuộc sống không tương quan chặt chẽ với việc giàu có. Bạn không cần tìm đâu xa để thấy bằng chứng về điều này: chỉ cần nghĩ về số lượng bệnh nhân giàu có mà các bác sĩ tâm thần điều trị thường xuyên.

Vì vậy, để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình, ta cố gắng thay đổi môi trường xung quanh mình, cho dù bằng cách phô trương sự giàu có của mình để gây ấn tượng với người khác hay theo đuổi những địa vị quyền lực. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều thất bại trong việc duy trì hạnh phúc của chúng ta.

Gen của chúng ta thúc đẩy ta tìm kiếm những khoái cảm cơ bản, chứ không phải những kỹ năng và thử thách tìm thấy trong niềm vui thú nội tại.

Mặc dù sự chú ý của chúng ta chỉ có thể quản lý một lượng thông tin hạn chế trong suốt cuộc đời ta, nhưng từ nguồn tài nguyên đang cạn kiệt này, hầu hết chúng ta chọn sự hài lòng tức thời như một sự bù đắp cho cuộc sống hàng ngày của mình.

Điều này là do ta thích khoái cảm (pleasure) đơn giản hơn là niềm vui thú (enjoyment) bổ ích hơn nhưng khó đạt được hơn.

Khoái cảm mang lại trật tự phục hồi đơn giản – giống như ngủ hoặc ăn: chúng ta đã tiến hóa để khi lượng đường trong máu xuống thấp, ta cảm thấy đói và được thôi thúc ăn thứ gì đó.

Ngược lại, niềm vui thú liên quan đến việc ta vươn mình, sử dụng các kỹ năng và sự tập trung của mình để vượt qua những giới hạn rõ ràng của gen. Bằng cách này, niềm vui thú giúp ta đạt được những mục tiêu đầy tham vọng mà ta đặt ra cho bản thân và giúp ta kiểm soát được sự chú ý của mình.

Ví dụ, điều này có thể được thấy khi ta chuẩn bị một bữa ăn mà ta chưa từng làm trước đây. Sự kiên nhẫn và sẵn sàng thử nghiệm mà nhiệm vụ này đòi hỏi sẽ góp phần vào sự phát triển của khẩu vị phức tạp, cho phép ta thưởng thức từng miếng ăn.

Tuy nhiên, ta dường như thích sự khoái cảm hơn niềm vui thú, thường ở dạng thoát ly thực tế và chủ nghĩa khoái lạc không đau đớn. Tuy nhiên, những điều này thiếu tính mới mẻ và cơ hội phát triển.

Ví dụ, sau một ngày làm việc vất vả, nhiều người trong chúng ta ngồi xem TV, smartphone, phim hoặc video. Trạng thái tiêu thụ thuần túy này là khi ta thụ động nhất và dễ bị phân tâm.

Hơn nữa, vào cuối tuần, nhiều người trong chúng ta thư giãn bằng rượu hoặc thậm chí là các loại thuốc khác. Mặc dù những thứ này có thể hứa hẹn sự thư giãn hay mở rộng ý thức, nhưng kết quả thường là ta làm hỏng khả năng tập trung của mình và mất kiểm soát.

Cốt truyện công thức của các chương trình truyền hình và thiên đường nhân tạo của rượu hoặc ma túy đều đòi hỏi sự kích thích từ bên ngoài, trong khi cả hai đều không cho phép ta phát huy kỹ năng hoặc tập trung hoàn toàn vào mục tiêu của mình.

Tâm trí của ta thường không làm những gì có thể để đạt được sự phát triển hay sự phức tạp của hiện tồn, nhưng ta không nên đi theo con đường ít kháng cự nhất và gây mất tập trung nhiều nhất ấy.

Các yếu tố hưởng thụ đều có sẵn cho mọi người, nhưng mục tiêu là duy nhất cho mỗi chúng ta.

Trên khắp các ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau, mọi người sử dụng các thuật ngữ giống nhau để mô tả cảm giác của họ khi ở “trong luồng”.

Cảm giác này là một niềm vui thú hơn là khoái cảm và nó đến khi bạn tham gia vào một nhiệm vụ hoặc hoạt động cân bằng giữa kỹ năng và thách thức, có mục tiêu rõ ràng và phản hồi ngay lập tức.

Lấy ví dụ như các bác sĩ phẫu thuật, những người thực hiện các ca phẫu thuật cực kỳ khéo léo. Họ nhận được phản hồi trực quan ngay lập tức về việc họ đang làm tốt như thế nào do thiếu máu ở vết mổ, trong khi việc loại bỏ cơ quan bị bệnh có thể mang lại cho họ sự hài lòng vì chắc chắn rằng ca phẫu thuật đã thành công.

Nhưng không phải ai cũng có thể có những mục tiêu giống nhau. Hãy thử so sánh bác sĩ phẫu thuật với bác sĩ nội khoa. Giống như bác sĩ phẫu thuật, họ có mục tiêu rõ ràng; không giống như các bác sĩ phẫu thuật, họ không thể nhận được phản hồi ngay lập tức và vì vậy cần đặt ra các mục tiêu khác để tận hưởng niềm vui thú – có thể là xác định thành công một căn bệnh và sử dụng đúng loại thuốc.

“Ở trong luồng” có nghĩa là bạn hoàn toàn đắm chìm trong nhiệm vụ hiện tại. Điều này kết hợp hành động và nhận thức, mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát.

Hãy lấy những người leo núi làm ví dụ. Rõ ràng là họ phải đối mặt với nguy hiểm cao độ trong mục tiêu của mình, nhưng điều khiến họ vui thú là sử dụng chuyên môn của mình để dập tắt nỗi sợ hãi – chẳng hạn như bằng cách ước tính chính xác độ khó của một cuộc leo núi. Để làm được điều này, họ phải dành toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ.

Sự đắm chìm và tập trung hoàn toàn như vậy cũng đã được quan sát thấy ở các thủy thủ người Melanesia. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những thủy thủ này, khi bị bịt mắt và đưa đi hàng trăm dặm từ hòn đảo quê hương của họ, có thể xác định chính xác vị trí của họ chỉ bằng cách tập trung vào cách dòng nước hướng dẫn con thuyền.

Sự đắm chìm mà chúng ta có thể thấy ở bác sĩ phẫu thuật, nhà leo núi đá và thủy thủ người Melanesia mạnh mẽ đến mức nó có thể giải phóng chúng ta khỏi sự tự ý thức, lo lắng và hồi hộp và cho phép ta quên đi thời gian trôi qua. Thật vậy, người leo núi tập trung quá sâu vào sự phức tạp của bề mặt đá đến nỗi anh ta quên mất vấn đề của mình và các bác sĩ phẫu thuật báo cáo thấy có cảm giác như nhóm phẫu thuật của họ là một sinh vật duy nhất.

Phát triển những kỹ năng mới và thú vị đòi hỏi phải đối mặt với những thách thức gắn liền với phần thưởng cá nhân.

Một buổi sáng ở Napoli, một du khách Mỹ bước vào một cửa hàng đồ cổ và hỏi mua một tác phẩm điêu khắc. Chủ sở hữu báo giá rất cao, nhưng khi thấy khách du lịch sắp trả tiền, anh ta khẳng định tác phẩm điêu khắc không phải để bán. Anh ta đưa ra mức giá cao không phải vì anh ta muốn khai thác khách du lịch, mà vì anh ta thích mặc cả và đấu trí trong đó, vì nó rèn giũa trí óc khéo léo và kỹ năng bán hàng của anh ta.

Bất cứ khi nào chúng ta tham gia vào một việc gì đó như thế này – một việc không quá dễ cũng không quá khó – ta có xu hướng mở rộng giới hạn cá nhân của mình và đạt được nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, sự cải thiện cũng đòi hỏi những kỹ năng này phải phù hợp với mục tiêu và niềm đam mê cá nhân và không bị ảnh hưởng bởi các hoàn cảnh bên ngoài chẳng hạn như lời hứa về phần thưởng nếu bạn làm tốt hoặc đe dọa trừng phạt nếu không làm tốt.

Nhờ kỷ luật, ta có thể sử dụng các giác quan và chuyển động của mình để giúp ta điều chỉnh trạng thái nhận thức cao hơn.

Đối với hầu hết chúng ta, ý tưởng chú ý đến bước đi của mình thật khác thường. Đi bộ chỉ đơn giản là đưa ta đi từ A đến B.

Nhưng bằng cách chú ý đến nhiều cảnh vật xung quanh bạn – con người, sự tương tác giữa họ, di tích lịch sử, kiến trúc, v.v. – ngay cả những hành động thường ngày nhất, chẳng hạn như đi bộ, cũng có thể được chuyển hóa. Bằng cách thực hành chánh niệm về môi trường xung quanh, ta có thể học hỏi để nhận thức nhiều hơn những gì mà phản ứng tự động của ta đối với thế giới cho phép.

Tuy nhiên, ta hiếm khi bị lạc trong sự phức tạp đầy đủ của nó. Nếu ta có thể học cách lưu tâm đến âm nhạc mà mình nghe, thì điều này có thể mở ra các cấp độ khác: giác quan (sensory), cảm giác cơ thể phản ứng với nhịp điệu và âm trầm; cùng chức (analogical), khi bạn nhìn thấy những hình ảnh tương ứng trong tâm trí của mình (giống như Tchaikovsky chở bạn trên xe trượt tuyết qua một khu rừng phủ đầy tuyết); và phân tích (analytic), trong đó bạn phân tích cấu trúc của một tác phẩm và so sánh nó với các phiên bản và nhà soạn nhạc khác, v.v.

Nhưng để trở nên chánh niệm, ta cần tăng cường khả năng tự kiểm soát của mình – điều này có thể đạt được bằng cách khai thác trí tuệ cổ đại của phương Đông.

Trong nhiều thế kỷ, yoga đã được thực hành như một phương pháp để giải phóng bản thân khỏi bản ngã. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sử dụng để hướng sự chú ý của ta theo hướng tích cực phù hợp với các mục tiêu cụ thể. Các bước mà yoga quy định để tập trung sự chú ý của ta là thực hành bất bạo động, vâng lời, sạch sẽ, học tập có kỷ luật và thừa nhận sự tồn tại của một quyền lực cao hơn.

Việc kiểm soát tâm trí của bạn bằng cách sử dụng không gì khác ngoài cơ thể của bạn, là thực sự khả thi.

Những ký ức và suy nghĩ của chúng ta có thể được trau dồi để tập trung vào những ý tưởng phức tạp hơn là những sai sót của bản thân.

Nhiều người chơi thể thao và tập thể dục có được niềm vui từ sự tập trung chú ý mà các hoạt động này yêu cầu. Nhưng không chỉ thông qua thể thao mà ta có thể đạt được điều này: ta cũng có thể sử dụng trí óc của mình để chơi trò chơi và đi vào “trạng thái dòng chảy”, tạo ra niềm vui thú.

Trạng thái dòng chảy tinh thần như vậy có thể là kết quả của việc tham gia vào các trò chơi và bài tập về ngôn ngữ và trí nhớ. Ví dụ, trò chơi ô chữ giết thời gian trên tàu hỏa, nhưng việc theo đuổi này phụ thuộc vào tác nhân kích thích bên ngoài. Thay vào đó, hãy thử tạo các câu đố ô chữ của riêng bạn. Điều này không chỉ có thể dẫn đến sự trôi chảy mà còn cải thiện kỹ năng chơi chữ của bạn, làm cho các cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn bằng cách vượt qua những cuộc nói chuyện phiếm thông thường và những cuộc trao đổi trần tục.

Bạn cũng có thể vận dụng trí nhớ của mình. Tìm một chủ đề mà bạn quan tâm và tiếp thu mọi thứ về nó, chẳng hạn như những dòng thơ bạn thích, hoặc các sự kiện của Thế chiến thứ hai. Bằng cách này, bạn cho phép bản thân dựa vào trí nhớ của chính mình để kích thích trí óc và cảm nhận mối liên hệ với chủ đề.

Hơn nữa, trạng thái dòng chảy có thể được hoàn thành bằng cách tập trung vào những thứ bên ngoài, thay vì tập trung vào những sai sót của một người. Bạn có thể thử làm điều mà Bertrand Russell đã làm để khiến bản thân hạnh phúc: quên đi những khiếm khuyết của bản thân và thay vào đó tập trung vào thế giới bên ngoài, bằng cách đắm mình trong nhiều lĩnh vực kiến thức hoặc tập trung vào những người bạn ngưỡng mộ.

Thật vậy, ngay cả những thế giới khoa học và triết học phức tạp cũng có thể được cả những người nghiệp dư và học giả yêu thích, vì chúng khuyến khích sự suy ngẫm và sử dụng logic.

Trên thực tế, nhiều nhà khoa học đã đạt được thành công vì đơn giản là họ thích hành động nâng cao kỹ năng khoa học của mình. Ví dụ, Isaac Newton đã trải qua hai năm cô đơn sống trong một trang trại và chính tại đó, ông đã hình thành lý thuyết về lực hấp dẫn của mình. Và Gregor Mendel là một giáo sĩ có sở thích làm vườn đã dẫn đến sự ra đời của di truyền học. Và Einstein, người đã làm việc hàng ngày tại một văn phòng cấp bằng sáng chế của Thụy Sĩ, xây dựng các lý thuyết của mình trong thời gian rảnh rỗi.

Công việc mà bạn coi như một trò chơi, với phần thưởng nội tại và các kỹ năng đa dạng, sẽ không còn là “công việc”.

Nhiều người không hài lòng với thói quen hàng ngày của mình và thường là do công việc của họ. Điều làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn là thời gian rảnh rỗi của họ được sử dụng để phục hồi sau công việc theo cách lười biếng nhất.

Tuy nhiên, công việc có thể được phát triển thành một thứ mang lại thách thức, tập trung sự chú ý của chúng ta và giảm bớt lo lắng.

Hãy xem những cư dân lớn tuổi của một ngôi làng ở dãy núi Alps của Ý, những người không thấy sự khác biệt giữa công việc hàng ngày và thời gian rảnh của họ. Mỗi ngày họ phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để vắt sữa bò, mang những kiện cỏ khô đi hàng dặm, chăm sóc vườn cây ăn trái hoặc nấu ăn cho gia đình. Nhưng khi được hỏi nếu giàu có họ sẽ thay đổi điều gì trong cuộc sống, họ trả lời rằng họ sẽ không thay đổi điều gì.

Nhiều người đã mô tả bản thân họ thường xuyên ở trong trạng thái dòng chảy khi họ đang làm việc hơn là khi họ không làm việc. Họ cũng cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào khả năng sáng tạo và sự tập trung của chính họ.

Một cách để đạt được trạng thái dòng chảy là tự đặt ra cho mình những phần thưởng nội tại (nghĩa là những phần thưởng không được thúc đẩy bởi động cơ tiền mặt hoặc sức mạnh bên ngoài), chẳng hạn như cố gắng vượt qua mức hiệu suất thông thường của bạn hoặc học hỏi càng nhiều càng tốt về công việc.

Vì vậy, để có được trạng thái dòng chảy, bạn nên tìm kiếm những thách thức mới trong công việc, nhằm mục đích tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tất cả các nhiệm vụ thiết yếu liên quan đến việc duy trì hoạt động của công ty, thay vì chỉ bắt đầu làm việc và hoàn thành công việc.

Tương tác với gia đình, bạn bè và cộng đồng là rất quan trọng đối với hạnh phúc, sự thể hiện bản thân và sự phát triển của chúng ta.

Những chuyến tàu đông đúc và những văn phòng không gian mở có thể ảnh hưởng đến sự tự do và cá tính của chúng ta. Thời gian ở một mình cho phép ta tập trung hoàn toàn vào điều gì đó, nhưng nó cũng có thể dẫn đến sự nhàm chán. Đó là lúc ta cần sự hỗ trợ của những người chúng ta biết và tin tưởng. Tóm lại, đó là gia đình, bạn bè và hàng xóm tốt.

Gia đình tốt cung cấp phản hồi trung thực, chấp nhận vô điều kiện và mục tiêu dài hạn.

Các gia đình cho phép những trải nghiệm thú vị mở đường cho những khác biệt, chấp nhận các kỹ năng và đặc điểm riêng biệt của từng thành viên trong gia đình đối với những gì họ đang có, và hòa nhập – trung thực, công bằng với mọi người và không bỏ rơi bất kỳ ai.

Ví dụ, cha mẹ tham gia vào các công việc đòi hỏi kỹ năng, thử thách như nghề mộc hoặc nấu ăn thay vì xem TV hoặc uống rượu có nhiều khả năng thấy con cái họ cũng cố gắng bắt chước những đặc điểm tích cực này.

Tình bạn tốt cũng rất cần được ưu tiên, vì đây là điều cần thiết để củng cố khía cạnh biểu cảm của chúng ta. Những kỹ năng ta có hoặc là công cụ, như kỹ năng sinh tồn và chuyên nghiệp, hoặc là biểu đạt, truyền đạt tính cách của ta một cách rõ ràng. So với việc ở một mình, dành thời gian với bạn bè sẽ nuôi dưỡng khía cạnh thể hiện của ta: nó tạo ra mức độ hạnh phúc, lòng tự trọng, sức mạnh và động lực cao hơn nhiều – chưa kể đến việc mang đến khán giả cho những nỗ lực của ta.

Cuối cùng, ta cần những người hàng xóm và cộng đồng mang đến cho ta cơ hội để có được sự mới lạ và phát triển. Nếu ta bỏ rơi hàng xóm hoặc tránh tiếp xúc với cộng đồng của mình, ta sẽ bỏ lỡ sự giúp đỡ của họ trong tương lai và tự giam mình trong những thói quen cũ.

Ví dụ, hãy xem xét các bộ lạc da đỏ ở Canada, những người thường tìm thấy những khu vực có nguồn thực phẩm phong phú và thành lập những ngôi làng tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, qua mỗi thế hệ họ lại dời trại và chuyển đến một khu vực khác, nơi họ bắt đầu lại từ đầu, điều đó có nghĩa là họ phải học những cách mới để tìm và thu hoạch thức ăn. Họ làm điều này để thoát khỏi cuộc sống thường ngày và để lấy lại những kỹ năng mới, sức khỏe và sức sống.

Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đầu tư vào các mối quan hệ của mình, vì chúng sẽ mang lại nhiều cơ hội để hạnh phúc và phát triển.

Sự chú ý tập trung giúp ta tránh xa sự lo lắng, có được quan điểm rõ ràng hơn và tìm ra những cách mới để phát triển.

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với bất hạnh vào lúc này hay lúc khác. Thay vì chỉ bỏ cuộc vì cảm thấy không thể xử lý tình huống, ta có thể áp dụng ba chiến lược sau:

Đầu tiên, ta nên buông bỏ cái tôi của mình và tin tưởng vào khả năng xử lý các tình huống khi chúng phát sinh.

Ví dụ, tất cả chúng ta đều có một chiếc máy tính ngừng hoạt động mà rõ ràng là không có lý do, thường là khi ta đang làm dở một việc quan trọng. Và hầu hết chúng ta đều đã trải qua việc đi trên những chuyến tàu bị hỏng, làm gián đoạn lịch trình trong ngày của ta.

“Tại sao điều này lại xảy ra với tôi ?” ta thường tự hỏi mình. Ta cảm thấy thất vọng vì những tình huống như vậy dường như mâu thuẫn trực tiếp với ý định của ta.

Vì vậy, ta phải học cách xem xét và đánh giá cao các quy luật chi phối máy tính hoặc tàu hỏa chứ không chỉ các nhu cầu và động cơ của cá nhân ta.

Chiến lược thứ hai là thực hành lưu tâm đến môi trường của chúng ta.

Lấy ví dụ, Charles Lindbergh, người đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương. Chấp nhận rủi ro rõ ràng như vậy sẽ khiến hầu hết mọi người sợ hãi, nhưng thay vì tập trung vào nỗi sợ hãi của mình, Lindbergh chú ý đến sự phức tạp của buồng lái – cần gạt, nút bấm và thậm chí cả vết hàn. Bằng cách chánh niệm, Lindbergh đã thoát khỏi sự lo lắng của mình.

Thứ ba, thay vì bỏ cuộc khi đối mặt với những tình huống khó khăn, bạn nên sử dụng chúng để khám phá những giải pháp mới.

Giả sử bạn đã làm việc chăm chỉ trong công việc, nhưng cơ hội thăng tiến duy nhất của bạn bị thách thức bởi mối quan hệ đặc biệt của sếp với đồng nghiệp của bạn.

Một giải pháp là cố gắng giành được sự ưu ái, lấy lòng sếp của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đi theo một hướng mới lạ hơn; chẳng hạn, bạn có thể nhận công việc ở một công ty khác, tìm một công việc mới hoặc đơn giản là quyết định dành nhiều thời gian hơn cho các dự án của riêng mình.

Cả hai giải pháp này đều không tốt hơn giải pháp kia, nhưng giải pháp sau sẽ mang đến cho bạn những thử thách thú vị hơn nhiều.

Khám phá mục đích trong cuộc sống thông qua việc có các mục tiêu thống nhất và quyết tâm biến chúng thành hành động.

Vì Trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ và cuộc đời ta bị thao túng bởi gen của chúng ta, nên cuộc sống dường như không còn ý nghĩa tối thượng. Tuy nhiên, ta chắc chắn có thể tạo ra ý nghĩa và cái hay của điều này là mỗi chúng ta có thể chọn ý nghĩa đó là gì.

Để tìm thấy ý nghĩa của mình, bạn cần có một mục tiêu cuối cùng trong cuộc sống để tập trung vào. Mục tiêu cuối cùng không quan trọng, miễn là nó khiến bạn đắm chìm hoàn toàn vào những thử thách ngày càng phức tạp, cho phép bạn bỏ qua ý kiến của người khác.

Ví dụ, các nghệ sĩ thời Phục hưng đã phấn đấu và đắm mình trong một nền văn hóa lý tưởng, bằng cách tự do lựa chọn từ những gì tốt nhất trong hai nền văn hóa đối lập: một nền văn hóa về sức khỏe thể chất và các giác quan cụ thể, nền văn hóa còn lại trừu tượng và tâm linh.

Khi bạn đã thiết lập mục tiêu của mình, bạn phải hành động theo mục tiêu đó và để làm được điều này, bạn cần có ý định và quyết tâm mạnh mẽ. Tưởng tượng ra một số mục tiêu cuộc sống thì quá dễ dàng, nhưng thực hiện chúng thì không hề.

Cuối cùng, mục tiêu và quyết tâm của bạn phải hài hòa, thể hiện chủ đề cho cuộc đời bạn.

Chỉ cần tưởng tượng xem ta sẽ ở đâu nếu không có những mục tiêu rõ ràng và quyết tâm mạnh mẽ như vậy. Liệu ta có khả năng chiến đấu với những căn bệnh chết người, tạo ra những kiệt tác hay đi bộ trên mặt trăng không?

Kết luận

Để sống một cuộc sống lạc quan, hãy cố gắng không bị ảnh hưởng bởi những phần thưởng bên ngoài hoặc ý kiến của người khác. Bạn có thể đạt được niềm vui trong cuộc sống bằng cách tập trung sự chú ý của mình vào từng khoảnh khắc, quan tâm đến môi trường xung quanh và đắm mình trong sở thích của mình. Cuối cùng, bạn không bao giờ nên tránh đối mặt với những thử thách khó khăn, vì chúng có thể dẫn đến sự phát triển và thành tựu cá nhân.


Nguồn: Blinkist, Flow
ThS. Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang