10 kiểu cười và ý nghĩa của chúng

Con người cười vì một số lý do. Bạn có thể mỉm cười khi nhìn thấy người bạn thân đã mất dấu từ lâu của mình trong khu nhận hành lý, khi bạn giao lưu với đồng nghiệp trong buổi thuyết trình hoặc khi bạn tưởng tượng luật sư của người yêu cũ vấp ngã trên đường vào tòa án.

Ai cũng có thể bị những nụ cười mê hoặc. Từ Mona Lisa đến Grinch, ta bị quyến rũ bởi những thứ vừa chân thật vừa giả tạo. Biểu cảm khuôn mặt bí ẩn này đã là chủ đề của hàng trăm nghiên cứu.

Dưới đây là những gì chúng ta biết về 10 kiểu cười khác nhau, chúng trông như thế nào và ý nghĩa của chúng.

Chức năng xã hội của nụ cười

Một trong những cách hữu ích nhất để phân loại nụ cười là theo chức năng xã hội hoặc mục đích của chúng trong một nhóm người.

Nói một cách rộng rãi, có ba dạng nụ cười: nụ cười khen thưởng, nụ cười liên minhnụ cười thống trị.

Nụ cười có thể là một trong những biểu cảm đơn giản và bản năng nhất – chỉ là một vài cơ mặt nâng lên. Nhưng với tư cách là một hình thức tương tác và giao tiếp xã hội, nụ cười rất phức tạp, đầy sức mạnh và đầy tính năng động.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người có khả năng nhạy bén đáng kinh ngạc khi đọc và nhận ra những nụ cười này trong các tình huống xã hội.

Nhiều người có thể xác định chính xác kiểu nụ cười mà họ đang chứng kiến ​​và việc nhìn thấy một số kiểu nụ cười nhất định có thể có tác động mạnh mẽ đến tâm lý và thể chất đối với con người.

Dưới đây là 10 kiểu cười phổ biến nhất:

1. Nụ cười khen thưởng

Nhiều nụ cười nảy sinh từ một cảm giác tích cực – hài lòng, tán thưởng hay thậm chí là niềm hạnh phúc giữa một nỗi buồn nào đó. Các nhà nghiên cứu mô tả đây là những nụ cười “khen thưởng” vì ta sử dụng chúng để động viên bản thân hoặc người khác.

Nụ cười khen thưởng sử dụng rất nhiều kích thích giác quan. Các cơ ở miệng và má đều được kích hoạt, cũng như các cơ ở vùng mắt và trán. Đầu vào tích cực từ các giác quan sẽ làm tăng cảm giác tốt đẹp và dẫn đến việc củng cố hành vi tốt hơn.

Ví dụ, khi một em bé bất ngờ mỉm cười với mẹ, điều đó sẽ kích hoạt các trung tâm khen thưởng dopamine trong não của người mẹ. (Dopamine là một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu.) Do đó, người mẹ được khen thưởng vì đứa con có vẻ hạnh phúc.

2. Nụ cười liên minh

Con người cũng sử dụng nụ cười để trấn an người khác, tỏ ra lịch sự và để thể hiện sự đáng tin cậy, sự gắn bó và những ý định tốt. Những nụ cười như thế này được coi là nụ cười mang tính “liên minh” vì chúng có chức năng kết nối xã hội.

Ví dụ: một nụ cười nhẹ nhàng thường được coi là dấu hiệu của lòng trắc ẩn.

Những nụ cười này có biểu hiện nhếch môi lên và theo các nhà nghiên cứu, chúng thường gây ra vết lõm ở má.

Theo nghiên cứu, nụ cười liên minh cũng có thể bao gồm việc nhấn môi, trong đó môi vẫn khép lại khi cười. Việc giấu răng có thể là một sự đảo ngược tinh tế của tín hiệu gây hấn khi nhe răng ở người nguyên thủy.

3. Nụ cười thống trị

Con người đôi khi mỉm cười để thể hiện sự vượt trội của mình, thể hiện sự khinh thường hoặc chế nhạo và khiến người kia cảm thấy kém quyền lực hơn. Bạn có thể gọi nó là một kiểu chế nhạo. Cơ chế của nụ cười thống trị khác với nụ cười khen thưởng hoặc liên minh.

Có nhiều khả năng là nụ cười thống trị không mang tính đối xứng: Một bên miệng nhếch lên, còn bên kia giữ nguyên hoặc kéo xuống.

Ngoài những cử động này, nụ cười thống trị còn có thể bao gồm cong môi và nhướng mày để lộ phần trắng của mắt nhiều hơn, cả hai đều là tín hiệu mạnh mẽ của sự ghê tởm và tức giận.

Các nghiên cứu cho thấy nụ cười thống trị có tác dụng.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nước bọt của những người nhận được nụ cười thống trị và nhận thấy mức độ cortisol – hormone gây căng thẳng – cao hơn trong tối đa 30 phút sau nụ cười tiêu cực.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nụ cười khinh bỉ làm tăng nhịp tim của những người tham gia. Kiểu cười này là một mối đe dọa không lời và cơ thể sẽ phản ứng tương ứng.

4. Nụ cười giả dối

Nếu bạn đang tìm kiếm một máy phát hiện nói dối hoàn hảo thì khuôn mặt này sẽ không nằm trong danh sách. Theo nghiên cứu, ngay cả những quan chức thực thi pháp luật giàu kinh nghiệm nhất cũng chỉ phát hiện nói dối trong khoảng một nửa trường hợp.

Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu tiết lộ kiểu cười ở những người chủ động cố gắng lừa dối người khác trong những tình huống nguy hiểm.

Một nghiên cứu năm 2012 đã tiến hành phân tích từng khung hình về những người được quay phim trong khi họ công khai cầu mong sự trở lại của một thành viên gia đình mất tích. Một nửa trong số đó sau đó bị kết tội giết người thân.

Trong số những kẻ lừa dối, cơ chính của cơ zygomaticus – cơ kéo môi bạn lên thành một nụ cười – liên tục hoạt động. Ở những người thực sự đau buồn thì điều này không xảy ra.

5. Nụ cười buồn

Bất cứ ai đã xem bộ phim kinh điển “Steel Magnolias” năm 1989 sẽ nhớ lại cảnh nghĩa trang khi M’Lynn, do Sally Fields thủ vai, cười khanh khách vào ngày chôn cất con gái mình.

Sự khéo léo trong cảm xúc con người thật đáng kinh ngạc. Vậy nên ta thậm chí có thể mỉm cười giữa nỗi đau cả về tinh thần lẫn thể xác.

Các chuyên gia tại Việ Y tế Quốc gia Mỹ cho rằng khả năng cười trong quá trình đau buồn sẽ bảo vệ bạn trong quá trình hồi phục. Điều thú vị là các nhà khoa học cho rằng ta cũng có thể mỉm cười khi bị đau đớn về thể xác vì mục đích bảo vệ.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi nét mặt của những người đang trải qua các thủ thuật đau đớn và nhận thấy họ cười nhiều khi có mặt những người thân yêu hơn là khi ở một mình. Họ kết luận rằng con người có thể sử dụng nụ cười để trấn an người khác.

6. Nụ cười lịch sự

Bạn nở một nụ cười lịch sự thường xuyên một cách đáng ngạc nhiên: khi bạn gặp ai đó lần đầu, khi bạn sắp thông báo tin xấu và khi bạn đang che giấu một câu trả lời mà bạn tin rằng người kia sẽ không thích. Có rất nhiều tình huống xã hội đòi hỏi phải có biểu hiện dễ coi.

Trong hầu hết các trường hợp, nụ cười lịch sự hay sử dụng cơ chính của cơ gò má chứ không phải cơ cơ vòng mắt. Nói cách khác, miệng bạn cười nhưng mắt bạn thì không.

Nụ cười lịch sự giúp ta duy trì một khoảng cách kín đáo với người khác. Trong khi những nụ cười ấm áp tỏa ra từ cảm giác chân thật có xu hướng kéo ta đến gần người khác hơn, thì sự gần gũi đó không phải lúc nào cũng phù hợp.

Rất nhiều tình huống xã hội đòi hỏi sự thân thiện đáng tin cậy nhưng không phải sự thân mật về mặt cảm xúc. Trong những tình huống đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy nụ cười lịch sự cũng hiệu quả như nụ cười chân thành.

7. Nụ cười tán tỉnh

Các trang web hẹn hò, tâm lý học và thậm chí cả bác sĩ nha khoa đều đưa ra lời khuyên hướng dẫn cách sử dụng nụ cười của bạn để tán tỉnh ai đó.

Một số mẹo rất tinh tế: Giữ môi vười bất động và nhướng mày. Một số thì rụt rè: Cười trong khi hơi cúi đầu xuống. Một số lời khuyên nghe hết sức hài hước và khêu gợi: Nếu bạn mỉm cười với một ít kem đánh bông hoặc bọt cà phê trên môi, sẽ rất tuyệt.

Mặc dù có những lời khuyên này chịu rất nhiều ảnh hưởng từ văn hóa và tương đối ít bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của chúng, nhưng có bằng chứng cho thấy nụ cười khiến bạn hấp dẫn hơn.

Một nghiên cứu cho thấy sức hấp dẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nụ cười và nụ cười vui vẻ, mãnh liệt có thể “bù đắp cho sự kém hấp dẫn tương đối”.

8. Nụ cười ngượng ngùng

Một nghiên cứu thường được trích dẫn vào năm 1995 cho thấy nụ cười do bối rối thường đi kèm với việc đầu cúi xuống và chuyển ánh nhìn sang trái.

Nếu cảm thấy ngại ngùng, có thể bạn cũng sẽ chạm vào mặt mình thường xuyên hơn.

Một nghiên cứu năm 2009 về những nụ cười ngượng ngùng đã xác nhận là đầu người cười sẽ chuyển động. Tuy nhiên, điều đó không khẳng định rằng người ngượng ngùng thường ngậm miệng cười. Nụ cười của họ có xu hướng không kéo dài lâu như nụ cười thích thú hoặc nụ cười lịch sự.

9. Nụ cười “Pan Am”

Nụ cười này được đặt tên theo tên của các tiếp viên hàng không Pan Am, họ được yêu cầu phải luôn mỉm cười, ngay cả khi khách hàng và hoàn cảnh khiến họ chỉ muốn ném gói lạc qua cabin.

Được nhiều người coi là gượng ép và giả tạo, nụ cười của Pan Am có thể có vẻ cực đoan.

Các nghiên cứu cho thấy rằng khi người ta cười tạo dáng, họ phải dùng nhiều sức hơn để kéo mạnh cơ chính zygomaticus của mình.

Kết quả là khóe miệng cao hơn và nhiều răng lộ ra hơn. Nếu nụ cười tạo dáng không cân xứng thì phần bên trái của miệng sẽ cao hơn bên phải.

Nếu bạn là một trong gần 2,8 triệu người làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng ở Mỹ hoặc nếu công việc của bạn yêu cầu bạn phải tương tác thường xuyên với công chúng, bạn có thể muốn xem xét lại việc nở nụ cười Pan Am không ngừng nghỉ vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Sức khỏe Nghề nghiệp tại Mỹ cho thấy những người thường xuyên giả vờ hạnh phúc tại nơi làm việc thường uống rượu để giải tỏa căng thẳng sau khi hết giờ làm.

10. Nụ cười Duchenne

Đây là tiêu chuẩn vàng. Nụ cười Duchenne còn được gọi là nụ cười của sự thích thú thực sự. Đó là phần liên quan đến miệng, má và mắt cùng một lúc. Đó là lúc toàn bộ khuôn mặt của bạn dường như bừng sáng đột ngột.

Nụ cười Duchenne đích thực khiến bạn có vẻ đáng tin cậy, chân thực và thân thiện. Người ta nhận thấy rằng chúng mang lại trải nghiệm dịch vụ khách hàng tốt hơn và nhận nhiều tiền tip hơn. Và chúng có liên quan đến cuộc sống lâu hơn và các mối quan hệ lành mạnh hơn.

Trong một nghiên cứu năm 2009, các nhà nghiên cứu đã xem xét cường độ nụ cười trong các bức ảnh kỷ yếu của trường đại học và phát hiện ra rằng những phụ nữ có nụ cười Duchenne trong ảnh của họ có nhiều khả năng kết hôn hạnh phúc hơn sau này.

Trong một nghiên cứu khác được công bố năm 2010, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các tấm thẻ bóng chày từ năm 1952. Họ phát hiện ra rằng những cầu thủ có ảnh có nụ cười chân thực, mãnh liệt đã sống lâu hơn nhiều so với những cầu thủ có nụ cười trông ít mãnh liệt hơn.

Các thông điệp chính

Các nụ cười khác nhau có hình thái khác nhau. Cho dù chúng thể hiện những cảm xúc bùng nổ chân thực hay chúng được tạo ra có chủ ý để phù hợp với một mục đích cụ thể, nụ cười đều đóng những chức năng quan trọng trong hệ thống tương tác của con người.

Chúng có thể được dùng để khen thưởng hành vi, truyền cảm hứng cho sự gắn kết xã hội hoặc thể hiện sự thống trị và phục tùng. Chúng có thể được sử dụng để lừa dối, tán tỉnh, duy trì các chuẩn mực xã hội, thể hiện sự bối rối, đối phó với nỗi đau và thể hiện cảm xúc dâng trào.

Trong tất cả sự mơ hồ và đa dạng của chúng, nụ cười là một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để truyền đạt chúng ta là ai và chúng ta dự định làm gì trong bối cảnh xã hội.


Vân Anh dịch từ nguồn https://www.healthline.com/health/types-of-smiles

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang