Hình thức trị liệu tâm lý thường được biết đến là thông qua trò chuyện, với các thành phần chính là mối quan hệ, chiều sâu và hiểu biết sâu sắc. Tuy nhiên, có một loại hình trị liệu khác cũng không kém phần mạnh mẽ, nhưng không cần đến lời nói, đó là nặn đất sét: khách hàng có thể nặn gốm mà không nói lời nào.
Làm gốm và các phương pháp thực hành tâm lý cổ xưa khác như chánh niệm và yoga, tuy có tác dụng chữa bệnh nhưng không mang tính trị liệu. Tuy nhiên, các nghệ nhân gốm sứ từ lâu đã ca ngợi lợi ích mang tính phục hồi và trị liệu của việc sáng tạo bằng đất sét.
Cơ chế của việc này không phải lúc nào cũng rõ ràng đối với những người không tự tay thực hành, vì vậy một số nghệ nhân gốm sứ đã đóng góp ý kiến của họ trong bài viết này, để chia sẻ về những yếu tố mà đối với họ, mang tính trị liệu khi chơi, hoặc làm việc với đất sét. Câu trả lời của họ được xếp vào bảy loại sau:
1. Thỏa mãn xúc giác
Thay vì dùng bút để vẽ, ta dùng tay để nặn đất sét. Tiếp xúc xúc giác – hình thức giao tiếp đầu tiên chúng ta học khi còn nhỏ – là một phương thức biểu đạt rất cơ bản. Nghệ nhân sử dụng đất sét cảm thấy như nhiều phần của bản thân được phản ánh trên đất sét hơn. Việc nhìn thấy dấu ngón tay của chính mình, dù cố ý hay vô tình, cho nghệ nhân cảm giác như một phần trong bản thân mãi mãi được kết nối với mọi mảnh ghép.
Ngay cả một cái chạm nhẹ vào một cục đất sét cũng để lại dấu ấn. Khả năng tạo ra tác động – biến đổi thứ gì đó – là thứ không thể nhầm lẫn khi làm việc với đất sét. Có lẽ trong sự biến đổi đó, ta định hình lại những đau buồn, tội lỗi, ký ức của ta. Khi thay đổi các phần trong bản thân, ta có cảm giác như bản thân có nhiều khả năng hơn.
2. Trải nghiệm sự toàn diện
Sáng tạo bằng đất sét là một trải nghiệm về thể chất-cảm giác-tinh thần. Thể chất và tiềm năng sáng tạo vô hạn liên quan đến cơ bắp, kỹ năng vận động tinh, tầm nhìn và trí tưởng tượng của ta. Ta đồng thời cho phép những cảm xúc chưa qua xử lý được định hình qua đất sét trong khi đưa ra những quyết định chi tiết về phương hướng mà ta muốn thực hiện tác phẩm của mình.
Những nghệ nhân sử dụng đất sét mô tả rằng họ cảm thấy tràn đầy sức sống hơn khi gắn bó với nghề của mình. “Tất cả các giác quan của tôi đều được dấn thân… và đôi khi, một cách vô tình, có cả vị giác nữa,” theo bà Blanchard.
3. Biểu hiện có ý thức và vô thức
Làm nghệ thuật là một phần mở rộng của chính ta. Thông qua đó, những ý tưởng và mong muốn có ý thức và vô thức của ta đều được thể hiện.
Đất sét mang tính hữu hình, có thể thay đổi, được ta kiểm soát, trong một thế giới mà ta thường cảm thấy là nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Ta chọn chiếc bát mà mình muốn nặn hoặc hình khối cơ thể mà ta muốn điêu khắc. Ta chọn sử dụng đất sét để mô tả điều kỳ diệu của việc mang thai hoặc cảm giác khó chịu của ta đối với tư tưởng bài ngoại, đồng thời nâng cao cảm xúc nó bằng các dấu hiệu và màu sắc mà ta lựa chọn. Thông qua thử và sai, ta biết mình là một nghệ sĩ và một con người.
Tuy nhiên, đất sét cũng có thể được dùng như một phép ẩn dụ cho những cảm xúc và thế giới nội tâm ít ý thức hơn của ta. Mong muốn và nỗi sợ hãi thường được tìm thấy trong cả quá trình lẫn sản phẩm. Khi ta có thể thả lỏng và buông bỏ, điều đó sẽ giống như thoải mái nói chuyện trong quá trình trị liệu, ta tạo không gian cho những tưởng tượng cũng như nỗi đau của bản thân để chúng có thể biến thành những biểu hiện có ý nghĩa.
4. Liều thuốc giải độc cho văn hóa
Ta đang sống trong một nền văn hóa lý tưởng hóa sự nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện. Với các thiết bị gây xao lãng cũng như việc chạy đôn đáo từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, từ nơi làm về nhà, đến trường, vv., ta thường xuyên bị bủa vây bởi đủ thứ trách nhiệm và suy nghĩ. Ta tự hỏi tại sao bản thân lại lo lắng và sau đó tìm kiếm những liệu pháp chữa trị nhanh chóng nhưng tác dụng thường không kéo dài.
Làm việc với đất sét có nghĩa là bạn phải mất thời gian vì quá trình này không thể vội vàng. Giữa việc chuẩn bị đất sét và nung men có tới 10 bước, một số bước cần nhiều giờ hoặc nhiều ngày ở giữa. Nếu bạn cố gắng thôi thúc quá trình, đất sét sẽ bộc lộ sự giận dữ bằng cách nứt, nổ hoặc nổi loạn theo một cách nào đó. Mặc dù điều này có thể gây khó chịu nhưng Mindy Stillman, một nhân viên xã hội lâm sàng, cho biết điều đó đáng giá: “Đồ gốm khiến tôi thoát khỏi nhu cầu được thỏa mãn ngay lập tức vì để hoàn thành sản phẩm, tôi phải biết đợi chờ”.
Với đất sét, không phải lúc nào ta cũng đạt được điều mình mong muốn dù phải mất bao công sức và tâm huyết. Ta chải chuốt và làm đẹp các sản phẩm của mình cũng như chọn màu sắc phù hợp với ta, hy vọng thành phẩm sẽ trông giống như ta tưởng tượng sau khi nung. Và đối với những ai may mắn hoặc tài năng, đồ gốm khi ra sẽ được như vậy. Nhưng phần còn lại trong chúng ta phải học cách buông bỏ sự kiểm soát và chấp nhận sự không hoàn hảo. Không có ai để mà khiếu nại hay yêu cầu hoàn lại tiền. Meg Biddle, chủ sở hữu của Xưởng gốm Lincoln Square – Trung tâm Học tập (LSPS-LC) ở Chicago cho biết: “Việc tìm thấy sự cân bằng giữa khả năng kiểm soát và tính không thể đoán trước đã mang lại cho tôi niềm vui”.
5. Giải phóng cảm giác bị xâm lấn
Bạn vừa cãi nhau với vợ/chồng mình? Bạn có thể ném cục đất sét thật mạnh và liên tục lên bàn nêm. Mèo lại bậy lên giường của bạn? Hãy đập cục đất sét chết tiệt kia hoặc khóc cùng nó. Vấn đề với đất sét là bạn có thể cấu, đập và thậm chí đâm thủng nó mà nó vẫn khó có thể bị hủy hoại, ít nhất là ở trạng thái dẻo.
Như chủ sở hữu Studio Biddle lưu ý: “Ngay cả khi bạn đã có một tác phẩm hoàn tất, bạn vẫn có thể quyết định loại bỏ nó bất kỳ lúc nào, điều này giúp bạn tham gia vào các xung lực tạo tác/hủy diệt theo cách an toàn.”
Ngay cả khi một quân cờ đã được phát ra, bạn vẫn có thể lấy búa đập nó nếu không muốn. Điều đó mang lại sự thỏa mãn to lớn…
6. Thiền định
Nhiều nghệ sĩ đã mô tả tác phẩm bằng đất sét như một cách để thoát khỏi đầu óc và đi vào cơ thể, giống như thiền định. Hầu hết mọi người đều làm việc một mình trong kể hoạch của bản thân và có một kiểu trạng thái yên tĩnh, hay trạng thái “flow (dòng chảy)” tràn ngập người nghệ sĩ khi người đó cho phép bản thân hòa mình vào đất sét.
Bà Blanchard, nhà trị liệu tâm lý, cho biết: “Nhiều người trong chúng tôi sử dụng không gian sáng tạo trong studio để cân bằng và hóa giải những sự cứng nhắc đang hiện hữu trong sự nghiệp của chúng tôi, để mở ra những cấu trúc mới mang tính mềm dẻo, linh hoạt hơn. Nó co kéo chúng ta theo những cách khác nhau…Đó là một trải nghiệm cực kỳ mang tính thiền.”
7. Cộng đồng
Trong khi việc nặn gốm thường mang tính đơn độc, các nghệ sĩ thường làm việc hoặc tham gia các lớp học cạnh nhau tại xưởng vẽ và có xu hướng hình thành một cộng đồng. Blanchard giải thích: “Bản thân cộng đồng đã mang tính chữa lành và truyền cảm hứng.
Nó trở thành một không gian nơi có rất nhiều cuộc nói chuyện thông minh về văn hóa đại chúng, chính trị và những người chủ lao động tồi tệ. Những nghệ sĩ có kinh nghiệm hơn có thể sử dụng những công cụ mới lạ hơn để bổ sung cho đất sét. Có thể là rượu vang và những loại pho mát khác nhau nhằm minh họa cho những độ đặc khác nhau của đất sét.
Sân chơi dành cho người lớn này là một lời nhắc nhở rất cần thiết rằng thế giới còn nhiều điều vui thú hơn là sự đấu tranh và niềm thống khổ. “Kết nối bằng những trải nghiệm vui tươi, vui vẻ là một trong những thứ mang tính chữa lành nhất mà chúng ta có thể làm.” Blanchard nói.
Theo nghệ sĩ Stillman: “Nó cho phép tôi bước ra khỏi sự hỗn loạn hàng ngày, được nghe một số bản nhạc tuyệt vời, được giao lưu và sáng tạo”.
Kết luận
Tác phẩm từ đất sét vốn có mô hình nhị nguyên. Khi ta chạm vào đất sét, ta đang tương tác với đất mẹ, xây dựng mối quan hệ với một thứ đã hàng triệu năm tuổi. Tuy nhiên, ta cũng đang tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới chưa từng tồn tại trước đây. Việc ta vật lộn và hòa nhập với phiến bùn đó buộc ta phải tìm kiếm sự cân bằng giữa sự kiểm soát và tính khó đoán, sự nghiêm túc và vui tươi, sự tách biệt và gắn bó. Đất sét biến thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện đẹp mắt và mặc dù ta có thể không bao giờ hoàn thành tác phẩm (và có thể vẫn cần những hình thức trị liệu khác nữa), ta vẫn đang tiến một bước gần hơn đến sự biến đổi, trưởng thành và chuyển hóa của chính mình.
Vân Anh dịch từ nguồn https://www.psychologytoday.com/gb/blog/demystifying-talk-therapy/202003/7-unexpected-ways-clay-is-therapeutic